Vẫn còn rào cản, giá thịt lợn khó giảm
Chậm công bố, thông báo hết dịch tả lợn châu Phi; nhiều địa phương chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, một số nơi chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại do dịch để người chăn nuôi duy trì sản xuất. Về con giống cũng đang thiếu hụt nghiêm trọng… Đó được cho là những rào cản trong việc tái đàn - giải pháp căn cốt kéo giảm giá thịt lợn.
Giá lợn hơi ngày 20/5 ở miền Bắc giao dịch ở mức 95.000-98.000 đồng/kg. Loại lợn đẹp chạm ngưỡng 100.000 đồng/kg tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm huyện Bình Lục, Hà Nam. Còn tại Sơn La, giá lợn hơi dao động từ 95.000 – 96.000 đồng/kg. Tương tự, tại Hưng Yên, giá lợn cán mốc 100.000 đồng/kg. Khu vực phía Nam, giá lợn hơi cũng cao tương đương miền Bắc. Đáng chú ý thương lái sẵn sàng trả giá cao, nhưng vẫn khó tìm mua do nguồn cung ngày càng khan hiếm.
Vậy là sau nhiều tháng giá thịt lợn tăng phi mã, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, khó khăn để làm tốt công tác bình ổn giá hiện nay chính là nguồn cung thịt lợn trong nước vẫn còn quá thiếu hụt do dịch bệnh xảy ra từ năm 2019. Một số nơi đến nay dù hết dịch cũng vẫn rụt rè để tái đàn, trong khi đó nguồn thịt nhập khẩu cũng chỉ có hạn và chưa tạo được thói quen tiêu dùng của người dân.
Cũng tại thời điểm này, một số tỉnh lại tái phát dịch tả lợn châu Phi. Cục Thú y cho biết, mặc dù dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được khống chế, song cả nước vẫn còn 94 xã thuộc 42 huyện của 16 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 30 ngày. Chưa kể thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tiếp tục xảy ra tại một số nơi, trong đó có hiện tượng dịch bùng phát một hoặc nhiều lần ở các xã đã qua 30 ngày tại những địa phương: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Trị... Nguy cơ dịch lây lan trong thời gian tới là rất cao do việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học ở các hộ nuôi lợn nhỏ lẻ còn hạn chế. Thời tiết thay đổi bất thường cũng là điều kiện cho mầm bệnh sinh sôi.
Ngoài những rào cản trong giải pháp tái đàn như đã nêu trên thì về con giống cũng đang thiếu hụt nghiêm trọng nên không thể đáp ứng đủ cho chăn nuôi. Và để sản xuất con giống, cần phải có cả hệ thống từ lợn giống cụ kỵ, ông bà, bố, mẹ nhưng tất cả đều thiếu hụt.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Dương thông tin: Theo số liệu đăng ký, năm 2020, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu 12.000 con lợn giống cụ kỵ, ông bà. Với số lượng lợn giống đã nhập và đăng ký nhập khẩu năm 2020 sẽ phục vụ việc thay thế đàn lợn giống nhập khẩu từ năm 2016 theo chu kỳ đến thời gian loại thải, một phần bù đắp lại việc giảm đàn nái giống do bệnh dịch tả lợn châu Phi và phục vụ tăng trưởng đàn nái 0,5%/tháng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đăng ký nhập khẩu 20.000 con lợn nái phục vụ sản xuất.
Với việc nhập con giống ồ ạt để tái đàn lợn, dễ nhận thấy ngành chăn nuôi Việt Nam phụ thuộc rất lớn nguồn giống lợn, gia cầm hạt nhân nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện nay, do ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19 nên lưu thông, logistics gián đoạn, nhiều nước tạm dừng xuất khẩu giống gốc, đặc biệt sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp chăn nuôi của Trung Quốc khiến việc nhập khẩu lợn giống của các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam từ cuối năm 2019 tới nay khó càng thêm khó.
Giới chuyên gia nông nghiệp cho rằng: đó là bài học cho ngành giống của Việt Nam cần phải có chiến lược và kế hoạch dài hơi, chủ động hơn.
Theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chừng nào giá bán lẻ cuối cùng về tay người tiêu dùng thực sự giảm thì thị trường mới được coi là hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không sớm giảm giá thịt lợn thành phẩm thì người tiêu dùng sẽ quay lưng với mặt hàng này. Khi đó, người chăn nuôi, thương lái và tiểu thương sẽ là những bên thua thiệt.