Nông sản mất giá, nông dân lao đao
Hàng loạt các loại nông sản ở miền Tây đang giảm giá mạnh sau thời gian dài ứ đọng vì dịch Covid-19. Trong đó, nhiều nông sản được coi là đặc sản như sầu riêng, mít thái, thanh long ruột đỏ, bưởi năm roi… giảm sâu, chỉ bằng hơn nửa so với giá thời điểm này năm ngoái.
Người trồng sầu riêng thất thu vì giá giảm sâu.
Những ngày này, hàng ngàn nông dân trồng sầu riêng ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long đang than trời vì giá giảm mạnh. Không những vậy, nhiều vườn còn không có thương lái thu mua.
Anh Nguyễn Văn Huy, một nông dân trồng sầu riêng ở xã Quới Thiện (Vũng Liêm, Vĩnh Long) chia sẻ, hồi trước tết, giá sầu riêng Ri6- loại sầu riêng phổ biến của nông dân miền Tây được thương lái mua tại vườn là 60-80 ngàn đồng/kg. Còn từ đầu tháng 5/2020, sầu riêng vào vụ thu hoạch chính nhưng giá lại giảm mạnh, chỉ còn khoảng 30-40 ngàn đồng. Thậm chí nhiều nhà vườn bị thương lái bỏ rơi vì lý do xuất khẩu nông sản đang khó khăn, nhiều doanh nghiệp chưa xuất hàng sang Trung Quốc được.
Cũng theo anh Huy, do khu vực này là cù lao nằm giữa sông Tiền nên việc vận chuyển nông sản đi tiêu thụ phụ thuộc hầu hết vào thương lái. Thế nhưng, hiện nhiều nhà vườn ở Vũng Liêm buộc phải thuê ghe, thuê ô tô chở sầu riêng lên Cần Thơ, Mỹ Tho hay TPHCM bán để gỡ gạc được ít nào hay ít đó.
Trong khi đó, tại tỉnh Tiền Giang, vựa trái cây miền Tây Nam bộ cũng không khá hơn, hàng ngàn nông dân trồng sầu riêng ở Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành như ngồi trên đống lửa. Anh Nguyễn Văn Hiệu, một hộ trồng sầu riêng lâu năm ở xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang), cho biết hiện nay anh đang có 8 công sầu riêng mùa thu hoạch. Thường sau tết thương lái sẽ tới các vườn để lựa trái và cọc tiền, thoả thuận giá cả. Tuy nhiên từ sau tết năm nay do dịch Covid-19 nên không thấy bóng thương lái. Nhiều vườn, thương lái có đến nhưng trả giá quá thấp, khoảng 30-35 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, nông dân thua lỗ nặng.
Không chỉ có sầu riêng, hiện nay nhiều nông sản khác cũng ở tình thế tương tự. Thương lái Trung Quốc không thu mua trong khi tiêu thụ trong nước rất khó khăn, nông dân không thể tự đưa sản phẩm đi tiêu thụ được. Một trong số đó là thanh long, loại nông sản được trồng nhiều tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) và Châu Thành (Long An). Ông Nguyễn Văn Luân, một hộ trồng thanh long ở xã Đăng Hưng Phước (huyện Chợ Gạo) cho biết mọi năm thời điểm sau tết, giá thanh long ruột đỏ thường ở mức 35-40 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5/2020 tới nay, giá thanh long rớt thảm hại, chỉ còn 5-7 ngàn đồng/kg.
So với sầu riêng, bưởi hay mít nghệ… thì thanh long có chi phí đầu tư rất cao, lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi công. Trong đó tiền điện, tiền trụ bê-tông là tốn kém nhất. Giá thanh long giảm khiến nông dân điêu đứng, nhiều hộ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất do vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng. Thanh long khó tiêu thụ cũng khiến nhiều thương lái đổ nợ theo vì đã bỏ tiền đặt cọc nhưng không dám tới vườn cắt vì khó tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, cho biết tình hình tiêu thụ nông sản hiện nay rất khó khăn, nhất quy trình đưa nông sản xuất khẩu. Không chỉ sầu riêng mà hầu hết các loại trái cây chủ lực đang vào vụ thu hoạch như mít, bưởi, thanh long… đều xuống giá, khó tiêu thụ.
Cũng theo ông Mẫn, tỉnh hiện có hơn 80 ngàn héc-ta cây ăn trái, sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Các loại trái cây chủ lực gồm sầu riêng 13 ngàn ha (250 ngàn tấn); thanh long 8.500 ha(230 ngàn tấn); mít gần 10 ngàn ha (125 ngàn tấn)… Hầu hết sản lượng trái cây này đều xuất đi các nước châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu khó khăn nên tỉnh này đang vận động nhiều doanh nghiệp trên địa bàn chuyển hướng sang tiêu thụ thị trường nội địa, trong đó chủ yếu là TP HCM. Tuy nhiên, việc tiêu thụ này không dễ vì mức giá nội địa luôn thấp hơn xuất khẩu rất nhiều.
Trước tết, giá sầu riêng Ri6, loại sầu riêng phổ biến của nông dân miền Tây được thương lái mua tại vườn là 60-80 ngàn đồng/kg. Còn từ đầu tháng 5/2020, sầu riêng vào vụ thu hoạch chính nhưng giá lại giảm nhiều, chỉ còn khoảng 30-40 ngàn đồng. Thậm chỉ nhiều nhà vườn bị thương lái bỏ rơi vì lý do xuất khẩu nông sản đang khó khăn.