Quảng Ninh: Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Đoàn ĐBQH với Ủy ban MTTQ tỉnh
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh tổ chức 223 cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ và 13 cuộc tiếp xúc chuyên đề với gần 42.000 lượt cử tri tham gia.
Đoàn ĐBQH lấy ý kiến của người dân huyện Ba Chẽ trong cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề tại địa phương cuối năm 2016 do Đoàn ĐBQH tỉnh và Uỷ ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức.
Bám sát chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Quy chế phối hợp số 257/QCPH/ĐĐBQH - MTTQ (ngày 21/11/2016). Qua quá trình thực hiện đã không ngừng củng cố, khẳng định vị trí, vai trò của mỗi cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ chung.
Nội dung trọng tâm của Quy chế số 257 được 2 cơ quan triển khai thời gian quan là: Phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri (TXCT) của Đoàn ĐBQH tỉnh; tham gia xây dựng pháp luật, triển khai các hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn; tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giám sát, khảo sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới các cơ quan chức năng.
Đáng chú ý, trong công tác TXCT, từ khi thực hiện Quy chế số 257 đến nay, 2 cơ quan đã chú trọng đổi mới, mở rộng đối tượng và lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Hiệu quả của cách làm này đã khắc phục được tình trạng cử tri “chuyên nghiệp” như trước đây, thay vào đó là có đông đảo đại diện cử tri hơn. Qua đó, giúp cho ĐBQH tỉnh nắm bắt nhiều thông tin đa chiều, sâu, rộng, sát với nhu cầu thực tiễn của đời sống.
Đoàn ĐBQH tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức các hội nghị TXCT chuyên đề với quy mô lớn để chuyển tải thông tin đến đông đảo cử tri và nhân dân. Nhất là đã tổ chức các cuộc TXCT tại các thôn, xã địa bàn vùng khó khăn, tăng cường tiếp xúc trực tiếp với người dân theo giới, theo nhóm đối tượng và ngành nghề...
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh tổ chức 223 cuộc TXCT định kỳ và 13 cuộc tiếp xúc chuyên đề với gần 42.000 lượt cử tri tham gia, đã có 837 cử tri phát biểu ý kiến. Các buổi tiếp xúc đều đảm bảo nội dung theo quy định là báo cáo kết quả kỳ họp; tình hình trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri; hoạt động của Đoàn ĐBQH trong kỳ họp; thông báo kết quả trả lời đơn, thư khiếu nại, phản ánh chuyển đến Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh. Qua các kỳ tiếp xúc, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp 230 kiến nghị gửi Trung ương; 160 ý kiến, kiến nghị gửi UBND tỉnh. Đến nay, có trên 85% số ý kiến, kiến nghị được cơ quan có thẩm quyền trả lời, được Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thông báo đầy đủ đến cử tri và nhân dân thông qua nhiều hình thức.
Công tác xây dựng luật, pháp lệnh cũng được đánh giá là thành công nổi bật trong công tác thực hiện Quy chế số 257. Theo đó, MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã tham gia đầy đủ các hội nghị tham vấn luật do Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức và phát huy tốt vai trò liên minh chính trị với các tổ chức thành viên, MTTQ cấp huyện trong việc tổ chức lấy ý kiến hội viên, thành viên và nhân dân, các sở, ban, ngành, chuyên gia để tham gia vào các dự án luật, pháp lệnh.
Với cách làm này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, 2 bên đã phối hợp tổ chức lấy ý kiến tham gia vào 121 dự án luật và nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã cung cấp đầy đủ thông tin cho các vị ĐBQH phục vụ cho công tác thảo luận, chất vấn, kiến nghị tại các phiên họp của Quốc hội; đã có nhiều ý kiến được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bổ sung vào dự án luật, pháp lệnh.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động giám sát, khảo sát và tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân được Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh thực hiện đồng bộ, có chiều sâu. 2 bên đã triển khai 11 cuộc giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh, tham gia 18 cuộc giám sát của các uỷ ban Quốc hội. Nội dung các cuộc giám sát vừa gắn với hoạt động vĩ mô, vừa gắn với các vấn đề dân sinh bức xúc tại địa phương, từ đó kịp thời kiến nghị với cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm hàng trăm vấn đề nổi cộm, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật.
Kết quả của việc thực hiện Quy chế phối hợp số 257 đã khẳng định vị trí, vai trò của mỗi cơ quan, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, đáp ứng được niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân trong tỉnh. Thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2015-2021, hai cơ quan thống nhất tổ chức khoảng 80 cuộc TXCT định kỳ và chuyên đề; tăng cường phối hợp giám sát các vấn đề mà dư luận và nhân dân đặc biệt quan tâm…