Xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam để bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới
Ngày 21/5, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam có đường biên giới dài với 44 tỉnh, thành phố có biên giới quốc gia. Hiện nay, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển là xu thế chung, tuy nhiên tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang diễn biến khá phức tạp, khó lường, nhất là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá; vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm ma túy và các loại tội phạm có tính chất xuyên biên giới, di cư tự do diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống như: biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng; nhất là trong tình hình hiện nay, dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ, liên quan trực tiếp đến công tác biên phòng trong phòng, chống lây lan dịch bệnh qua biên giới của Việt Nam.
“Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đang đặt ra yêu cầu phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới”- Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.
Thẩm tra Dự án luật trên, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội bày tỏ quan điểm nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam, nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của Bộ đội Biên phòng nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Quốc hội thảo luận trực tuyến về Luật Giám định tư pháp.
Cũng trong ngày 21/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trình bày tờ trình về dự án Luật Biên phòng; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh đọc báo cáo thẩm tra về Dự án này