Gian dối khó lọt qua tai mắt nhân dân
Cùng với cả nước, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể ở tỉnh Thái Bình tập trung thực hiện công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong đó, với vai trò của mình, các cấp Mặt trận trong tỉnh đã và đang tích cực triển khai các hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách quan trọng này. PV Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Giang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình xung quanh nội dung này...
Ông Nguyễn Văn Giang.
PV: Thưa ông, đến nay công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã được tỉnh Thái Bình thực hiện đến đâu? Quá trình triển khai các bước hỗ trợ địa phương gặp những khó khăn, vướng mắc gì? Ông có thể chia sẻ về tâm tư, tình cảm của người dân Thái Bình khi được nhận hỗ trợ?
Ông Nguyễn Văn Giang: Theo chúng tôi cập nhật, đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ cho nhóm người có công và thân nhân; nhóm người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và bảo trợ xã hội. Hiện tại, chính quyền, các cơ quan liên quan của tỉnh đang tích cực phối hợp rà soát, chốt danh sách nhóm đối tượng hộ kinh doanh, người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ để trình UBND tỉnh phê duyệt cấp kinh phí.
Quá trình triển khai cho thấy việc thống kê, thẩm định nhóm người có công và thân nhân; nhóm người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và bảo trợ xã hội cơ bản là thuận lợi vì cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương đã có sẵn danh sách, nay chỉ tập trung rà soát những trường hợp bị trùng (cùng lúc là người có công, người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội) để đảm bảo nếu bị trùng một người cũng chỉ được nhận một lần hỗ trợ, ở chế độ cao nhất. Việc rà soát, thống kê, thẩm định đối tượng hộ kinh doanh, người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ khó khăn, phức tạp hơn, phải huy động nhiều cấp, ngành tham gia đối chiếu, thẩm định.
Qua nắm bắt, những người đã nhận được tiền hỗ trợ đều rất phấn khởi, đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, thiết thực của Đảng, Nhà nước đối với người dân trong lúc khó khăn. Nhiều trường hợp người có công sau khi nhận hỗ trợ đã thông qua cơ quan Ủy ban MTTQ địa phương ủng hộ lại những trường hợp còn khó khăn hơn mình, qua đó thể hiện, nhân lên tinh thần sẻ chia, tương thân, tương ái.
Tuy nhiên, dù các cấp, các ngành trong tỉnh đã rất nỗ lực, khẩn trương nhưng đến nay vẫn chưa đưa được tiền hỗ trợ tới tay nhóm người lao động tự do, lao động trong các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, doanh nghiệp trong khi đây là những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất. Toàn tỉnh đang phấn đấu trong tháng 5/2020 này sẽ hoàn thành hỗ trợ cho tất cả các nhóm đối tượng...
Thực tế cho thấy, mỗi khi có chính sách hỗ trợ lại xảy ra tình trạng nhẹ là sai sót, nặng là gian dối, móc ngoặc để trục lợi chính sách, gây nhiều hệ lụy. Với vai trò của mình, Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân Thái Bình đã và đang thực hiện vai trò giám sát như thế nào để góp phần đảm bảo lần này chính sách hỗ trợ được thực thi kịp thời, đúng đối tượng, không bị trục lợi, thưa ông?
-Ngoài việc thông tin, tuyên truyền chính sách hỗ trợ tới các tầng lớp nhân dân, thời gian qua, Mặt trận các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên đã tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng để triển khai thực hiện chính sách. Đặc biệt, hệ thống Mặt trận ở Thái Bình đã và đang đẩy mạnh các hoạt động giám sát nhằm góp phần đảm bảo chính sách hỗ trợ được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, không bị lợi dụng. Để có cơ sở thống nhất thực hiện, trước đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã có hướng dẫn việc này tới các cấp Mặt trận trong tỉnh. Việc giám sát được Mặt trận thực hiện tại 3 thời điểm quan trọng, gồm thời điểm lập danh sách người được hỗ trợ, thời điểm các cơ quan liên quan tổ chức chi trả tiền hỗ trợ và thời điểm sau khi hoàn tất việc chi trả.
Vừa qua, quá trình thực hiện hỗ trợ nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tích cực phối hợp cùng ngành LĐTBXH, ngành bảo hiểm trong rà soát, đối chiếu danh sách. Quá trình phối hợp rà soát, đối chiếu đã phát hiện, đưa ra khỏi danh sách hỗ trợ một số trường hợp bị trùng, hoặc yêu cầu cần làm rõ thông tin cá nhân bị sai lệch.
Từ ngày 1/5, khi một số địa phương trong tỉnh thực hiện chi trả tiền hỗ trợ, Mặt trận các địa phương đều cử cán bộ tham gia giám sát khâu này, đảm bảo những trường hợp nhận hỗ trợ không đúng người, đúng chế độ đều bị phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh, xử lý.
Hiện tại, trước khi được UBND tỉnh phê duyệt, Mặt trận cơ sở đang phối hợp cùng chính quyền, ngành chức năng thực hiện công khai danh sách những người thuộc nhóm lao động tự do, hộ kinh doanh... để nhân dân địa phương giám sát, đảm bảo việc hỗ trợ được đúng người, đúng chế độ...
Trách nhiệm giám sát cũng được chúng tôi phân công, phân cấp rất rõ. Trong đó, Mặt trận cấp xã có nhiệm vụ chủ trì triển khai giám sát 4 nội dung, gồm giám sát việc hỗ trợ hộ kinh doanh và doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm phải tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020; giám sát việc hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; giám sát việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; giám sát đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia.
Mặt trận cấp huyện chủ trì giám sát 3 nội dung gồm giám sát việc hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; giám sát việc hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; giám sát việc hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Ở cấp tỉnh, ngoài hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, Ủy ban MTTQ tỉnh trực tiếp chủ trì giám sát việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.
Riêng ở địa bàn khu dân cư, chúng tôi hướng dẫn, khuyến khích người dân giám sát việc hỗ trợ thông qua danh sách được niêm yết công khai tại nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố, trụ sở UBND và đọc công khai trên hệ thống truyền thanh.
Thực tế cho thấy, những người cùng sinh sống trong cùng một cộng đồng, nhất là ở nông thôn thường hiểu biết rất rõ điều kiện, hoàn cảnh của nhau. Ai xứng đáng được nhận hỗ trợ, ai không xứng đáng, cộng đồng địa phương là người biết rõ nhất. Vì vậy, gian dối, trục lợi nếu có cũng khó “lọt qua” được tai mắt nhân dân...
Trân trọng cảm ơn ông!