Nóng bất động sản công nghiệp
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan, song các nhà đầu tư ngoại vẫn đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam. Dự báo thời gian tới nguồn vốn nước ngoài đổ vào đầu tư tăng cao, bất động sản công nghiệp tiếp tục chuyển mình và có giá thuê cao.
Nhiều khu công nghiệp của các tỉnh – thành có tỷ lệ lấp đầy cao.
Giá thuê đất công nghiệp ở mức cao
Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Bất động sản JLL Việt Nam khẳng định: “Việt Nam vẫn là một điếm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Dù dịch Covid - 19 đang gây ra những khó khăn nhất định đối với các quyết định cũng như hoạt động di dời, chủ đầu tư vẫn tự tin tăng giá đất trong quý đầu năm 2020 do đây là xu hướng đầu tư trong dài hạn”.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi các nhà máy buộc phải đóng cửa trong đợt bùng phát dịch ở Trung Quốc, các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia. Ngoài nguyên nhân trên, một số công ty đa quốc gia cũng rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam từ năm ngoái. Kế hoạch dịch chuyển này nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao.
Khảo sát của JLL chỉ rõ, giá đất cho thuê của khu công nghiệp miền Bắc đạt trung bình đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng nhà xưởng xây sẵn vẫn là lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi mức giá thuê ổn định dao động từ 4,0 - 5,0 USD/m2/tháng (đã được lấp đầy). Tại khu vực miền Nam, số lượng yêu cầu thuê đất tăng cao và các chủ đầu tư đã trở nên tự tin hơn trong việc tăng giá thuê đất. Giá đất trung bình đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Nhà xưởng xây sẵn ở miền Nam có giá thuê dao động từ 3,5 - 5,0 USD/m2/tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, TP HCM, Long An và giữ mức ổn định ở các tỉnh còn lại.
Nói về bất động sản công nghiệp, CBRE Việt Nam thông tin, tỷ lệ lấp đầy ở các thành phố lớn khá cao, cụ thể: TP HCM là 90%; Đồng Nai, Bình Dương khoảng 80 – 90%. Bà Dương Thùy Dung – Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam nhận định, sắp tới nguồn cung đất công nghiệp sẽ dịch chuyển về các tỉnh – thành phố cấp 2 nhờ tỷ lệ lấp đầy còn thấp và mức giá cho thuê cạnh tranh hơn.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Theo số liệu của tổ chức Ngân hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ tăng 4,9% trong năm nay. Trong quý đầu tiên, nền kinh tế tăng trưởng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây vẫn là một tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong bối cảnh chung toàn cầu, mặc dù là mức thấp nhất trong 10 năm ở quý đầu năm của đất nước.
Đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam vẫn đang duy trì các yếu tố cơ bản tốt, với tốc độ tăng trưởng cao nhất ở Đông Nam Á. Yếu tố thứ hai dự báo thu hút các nhà đầu tư ngoại trong thời gian tới chính là những lợi ích từ các hiệp định thương mại. Các hiệp định thương mại song phương, đa phương tạo động lực bền vững cho thị trường đầu tư và bất động sản công nghiệp đang nhận được phản ứng khá tốt.
Bên cạnh các yếu tố nêu trên, để trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại, thời gian qua Chính phủ và chính quyền các địa phương cố gắng hoàn thiện về mặt thể chế, pháp lý, nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch. Kết quả, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho hay, họ nhận thấy sự lạc quan, an tâm rất nhiều. Điển hình, mới đây, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) khẳng định, Việt Nam có 3 lợi thế lớn về môi trường đầu tư, gồm: quy mô và tính tăng trưởng của thị trường, tình hình chính trị xã hội ổn định, môi trường sống cho người nước ngoài được cải thiện hàng năm.
Mặc dù đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, song doanh nghiệp nước ngoài cũng chỉ ra những điểm tồn tại cần khắc phục, như phát triển mạnh các khu công nghiệp nhưng cơ sở hạ tầng lại không tương ứng với mức tăng giá đất. Phát triển cơ sở hạ tầng vẫn diễn ra chậm chạp, do đó các nhà đầu tư tiềm năng phải bắt đầu tìm kiếm các giải pháp thay thế khác. Cùng với đó, Việt Nam cần phải cải thiện mức độ minh bạch cũng như đẩy nhanh quá trình phê duyệt pháp lý nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Song song đó là thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, cải cách hành chính,… chủ động nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập.