Nâng cao năng lực cho giáo viên: Biến việc bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng
Khác với những lần bồi dưỡng trước đây, công tác bồi dưỡng giáo viên (GV) đại trà lần này có nhiều điểm mới so với trước đó. Tất cả GV trong cả nước đều được cấp tài khoản để truy nhập vào hệ thống học tập, bồi dưỡng trực tuyến (LMS) để tự học, tự bồi dưỡng. Điểm mới của hoạt động bồi dưỡng chính là ở chỗ: Biến quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự bồi dưỡng, GV tự học là chính; Cơ chế phối hợp rõ ràng, rạch ròi nhiệm vụ từng đơn vị.
Giáo viên tham gia tập huấn chuyên môn.
Thống nhất kế hoạch, phương thức triển khai
Tại Hội thảo -Tập huấn “Triển khai thực hiện quy chế bồi dưỡng thường xuyên, cơ chế phối hợp các bên liên quan trong bồi dưỡng thường xuyên thuộc Chương trình ETEP” và triển khai kế hoạch bồi dưỡng GV (GV) và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2020 diễn ra tại Đà Nẵng vừa qua, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao vai trò quan trọng của đội ngũ GV- yếu tố quyết định sự thành công đổi mới giáo dục và thực hiện thành công Chương trình GDPT mới. Theo đó, công tác bồi dưỡng giúp GV nắm chắc chương trình tổng thể, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục cũng như các phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá theo chương trình mới là rất quan trọng.
Trong kế hoạch năm 2020, để triển khai chương trình GDPT mới bắt đầu ngay từ năm học tới đây, công tác bồi dưỡng tập trung vào 4 mô-đun là: Hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018 (GDPT mới); Phương pháp dạy học và giáo dục; Kiểm tra đánh giá học sinh; Xây dựng kế hoạch dạy học giáo dục.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ: Tất cả GV dạy lớp 1 năm học 2020-2021 phải được bồi dưỡng hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018 trước 30/7. Năm nay, toàn bộ GV cấp tiểu học phải được bồi dưỡng về hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018 và bồi dưỡng phương pháp dạy học - giáo dục. Đối với cấp THCS, THPT, hết năm 2020, tất cả GV phải được bồi dưỡng về hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT mới. Chỉ khi cán bộ quản lý, GV hiểu kỹ, nắm chắc chương trình tổng thể, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục thì triển khai dạy học mới có thể thành công.
Tại Hội thảo nói trên, 63 Sở GDĐT và 8 trường ĐHSP/Học viện tham gia Chương trình ETEP đã thống nhất kế hoạch, phương thức triển khai bồi dưỡng.
Bồi dưỡng qua mạng có nhiều ưu thế
Thời gian qua, Bộ GDĐT đã tổ chức thí điểm mô hình bồi dưỡng thường xuyên cho GV kết hợp trực tiếp và trực tuyến tại Hưng Yên. Việc tập huấn trực tiếp thông qua sinh hoạt chuyên môn.
Việc tự học, tự bồi dưỡng qua mạng có rất nhiều ưu thế. Đầu tiên là GV có thể tự học ở nhà không phải đi lại. Thứ hai là người học có thể học bất kỳ thời gian nào, hoàn toàn chủ động…. Điều ấy giúp mình không chỉ biết, hiểu rồi còn vận dụng trong quá trình dạy học 1 cách dễ dàng”,
Ông Đỗ Văn Khải, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hưng Yên cho biết, các thầy cô tham gia mô hình đều đánh giá cao sự tương tác, trao đổi giữa các thầy cô giáo tham gia bồi dưỡng trực tuyến, kể cả giữa GV cốt cán và GV đại trà. Thông qua tương tác, trao đổi, các thầy cô có thể hoàn thiện kiến thức của mình. Ông Khải cho biết, sau khi hoàn thành nội dung bồi dưỡng, người học được thống quản lý học tập trực tuyến đánh giá tiến trình học tập và cho điểm cụ thể. Từ đó, họ thấy được những ưu điểm và hạn chế của bản thân trong quá trình tham gia bồi dưỡng để biết cần bổ sung những kiến thức gì.
Đánh giá cao hình thức bồi dưỡng trực tuyến, nhưng các thầy cô không thể phủ nhận vai trò của của sinh hoạt chuyên môn một cách trực tiếp - một khâu quan trọng của mô hình bồi dưỡng mới.
Theo chia sẻ của cô Đỗ Thị Cúc: Các thầy cô đều tự học rồi, lĩnh hội rồi nên trong buổi sinh hoạt chuyên môn, ai cũng được quyền phát biểu trao đổi ý kiến với nhau, để hoàn thiện các nội dung bài học. Sau buổi sinh hoạt chuyên môn như thế, chúng tôi có một cái nhìn thống nhất, sau đó lại triển khai nội dung mới cho buổi sinh hoạt lần sau. Mọi người cùng chuẩn bị, làm sâu sắc những kiến thức đã học qua mạng trước đó, hoặc giải đáp những khúc mắc của người học.
Như vậy, mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ, kết hợp trực tiếp và trực tuyến, với sự hỗ trợ của Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS), sự hướng dẫn đội ngũ GV cốt cán, giảng viên sư phạm chủ chốt sẽ giúp các thầy cô giáo phát trỉển năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Theo số liệu của Chương trình ETEP (Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực dội ngũ GV và cán bộ quản lý GDPT), với mô hình bồi dưỡng này, đến hết năm 2019, đã có 28.221 GV phổ thông cốt cán được bồi dưỡng mô-đun 1 “Hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018”; 3.984 cán bộ quản lý cơ sở GDPT cốt cán được bồi dưỡng mô-đun 1 “Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục trong trường phổ thông”. Trong đó, 25.014 GV phổ thông cốt cán hoàn thành mô-đun 1 với 88% GV được đánh giá đạt; 3.951 cán bộ quản lý cơ sở GDPT cốt cán hoàn thành mô-đun 1 và 99% được đánh giá “đạt”.