Hiến kế cho du lịch
Ngày 21/5, tại Hà Nội, Hội nghị lần 2 với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19” đã diễn ra. Tại đây, giải pháp về du lịch nội địa đã được các doanh nghiệp, tập đoàn cùng một số chuyên gia thảo luận và đưa ra những kế hoạch hành động thiết thực.
Thị trường du lịch Việt Nam chưa thể đón khách quốc tế. Ảnh: Tấn Thành.
Theo khảo sát trong 3 tuần gần đây cho thấy nhu cầu của thị trường du lịch bắt đầu phục hồi trở lại. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn BIM, Đoàn Thị Thanh Mai nhìn nhận: Từ giờ đến hết năm, việc thị trường du lịch Việt Nam đón khách quốc tế là rất khó, vì vậy chúng ta nên tập trung vào khách nội địa. Đây là khó khăn và thách thức với ngành nhưng cũng là cơ hội để thay đổi diện mạo ngành du lịch Việt Nam.
Bà Mai cũng đề xuất, cần có thông điệp rõ ràng từ Chính phủ, Tổng cục Du lịch, Sở VHTTDL, Sở Du lịch là du lịch nội địa đang an toàn. Để làm được điều này, chúng ta phải có chuẩn hoá như thế nào là an toàn du lịch. Ví dụ, Singapore có đưa ra chỉ tiêu thế nào là an toàn với các cơ sở kinh doanh du lịch. Họ có đội kiểm tra nếu đạt tiêu chí sẽ được cấp chứng chỉ. Bên cạnh đó, phải xây dựng chiến dịch trên diện rộng, để quảng bá toàn quốc. Các địa phương cũng cần tìm cách tạo dấu ấn riêng.
Bên cạnh những góp ý về việc kích cầu du lịch nội địa, tại Hội thảo nhiều đại biểu cũng cho rằng việc “cứu” du lịch cần phải làm “đúng và trúng”. Theo ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Thay vì cứu ngành du lịch cũ, chúng ta phải làm mới ngành du lịch của Việt Nam, nên đưa ra một khuôn khổ về chiến lược phát triển của ngành. Phục hồi ngành du lịch là khởi đầu cho ngành kinh tế khác. Và theo ông Thiên, “cứu” ngành du lịch không phải là vấn đề riêng của ngành.
“Tôi nghĩ để phục hồi ngành du lịch, nên tập trung, hỗ trợ cho những doanh nghiệp lớn, có khả năng duy trì cao vì đây là tình huống khẩn cấp. Bởi khi dịch bùng phát, toàn ngành du lịch, trong đó có hàng không bị ảnh hưởng nặng nề. Thời điểm này chính là cơ hội để làm mới lại.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Vietravel, Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng chúng ta lại chưa chứng minh được vai trò của mình. Chúng ta chưa đưa ra được chỉ tiêu, con số cụ thể để tạo được điểm nhấn, sự thu hút nhất định. Ông Kỳ cũng cho rằng, về việc cấu trúc lại ngành, Bộ VHTTDL nên suy tính để thay đổi vì cấu trúc cũ lẻ tẻ, không có liên kết, kết nối doanh nghiệp kém.
Ngoài ra, các công ty lữ hành cần thiết kế sản phẩm bay, kết nối hãng hàng không vận chuyển, thiết kế đường bay và sản phẩm để đưa khách đi một cách an toàn. Ngoài ra, du lịch nội địa cần kết nối về chính sách như cam kết giảm giá 30-50% dịch vụ tại địa phương, cam kết doanh nghiệp du lịch các địa phương giảm giá, xúc tiến giảm giá chung...
Trước những góp ý của các đại biểu, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhìn nhận, du lịch sống dựa vào khách, khi không có khách thì không thể kích cầu được. Vì vậy, chúng ta phải làm sao để mọi hoạt động sớm trở lại bình thường, thậm chí phải đẩy nhanh quyết liệt từng ngày.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng kiến nghị, ngay bây giờ dù còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp khó có thể kết hợp với nhau nhưng chúng ta phải làm. Nhà nước cũng phải đồng hành với doanh nghiệp, như các khu du lịch, điểm tham quan giảm giá vé, chỉ doanh nghiệp giảm mà các khu tham quan, du lịch của nhà nước không giảm thì cũng khó. “Phải liên minh kích cầu làm sao trong hai tháng khôi phục hoạt động du lịch, sau bốn tháng hồi phục, cuối năm trở lại như cũ, như vậy mới triển khai được du lịch quốc tế” - ông Bình đề nghị.
“Du lịch là ngành mũi nhọn nhưng an toàn vẫn là quan trọng nhất. Theo tôi, chúng ta có thể ứng dụng công nghệ để biết người hay chỗ nào an toàn. Tổng cục Du lịch đang làm kế hoạch truyền thông về những điềm đến đảm bảo cho du khách. Chúng tôi mong các công ty, doanh nghiệp du lịch, lữ hành... cùng hỗ trợ truyền thông, đưa ra các tiêu chí, điểm đến an toàn” -Ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ.