Nan giải nạn ùn tắc giao thông
Việc quỹ đất dành cho đô thị thấp khiến Hà Nội đang phải đối diện với tình trạng thiếu hạ tầng giao thông. Tình trạng ùn tắc, thiếu điểm đỗ… vẫn đang là vấn đề nan giải.
Ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng.
Sở GTVT Hà Nội vừa thông tin, trong 5 năm qua (2015 - 2020), chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông/diện tích xây dựng đô thị tại Thủ đô tăng chỉ khoảng 0,3%. Cụ thể, năm 2015, quỹ đất dành cho giao thông là 8,65%, năm 2016 là 8,83%, năm 2017 là 9,0%, năm 2018 là là 9,38%, đến năm 2019 là 9,75% và dự kiến năm 2020 là 10,05%. Trong khi đó, theo thống kê mỗi năm dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 200.000 người. Do đó việc quỹ đất dành cho đô thị thấp khiến tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô ngày càng phức tạp.
Theo ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, trong nhiệm kỳ 2016 - 2020 đã phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương xử lý được 59 điểm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, lại phát sinh thêm 48 điểm ùn tắc mới do triển khai thi công các công trình trọng điểm nên số điểm thường xuyên ùn tắc trên địa bàn thành phố hiện là 34 điểm.
Chỉ ra nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thực trạng trên là do quy hoạch giao thông không đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội phân tích, giữa giao thông và quy hoạch luôn có sự kết hợp chặt chẽ. Hà Nội có đồ án Quy hoạch chung xây dựng từ tháng 4/2011 nhưng phải đến tháng 3/2016 mới phê duyệt Quy hoạch GTVT. Ngay từ khâu làm quy hoạch đã bất cập như vậy nên đương nhiên quá trình phát triển đô thị của Hà Nội sinh ra nhiều hệ lụy.
Ông Nghiêm cũng cho rằng, Hà Nội có quy hoạch 30 năm nhưng thậm chí chưa có sự gắn kết giữa quy hoạch phát triển không gian với kết cấu hạ tầng, đặc biệt là quy hoạch mạng lưới giao thông. Khu đô thị thường do tư nhân đầu tư, giao thông lại do Nhà nước đảm nhận. Do nguồn vốn khó khăn nên hiện TP vẫn chưa thực hiện được đồng thời. Điều này dẫn tới nhiều bất cập. Đơn cử như tuyến đường Lê Văn Lương đang ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng…
Ở một góc nhìn khác, PGS. TS Hồ Ngọc Hùng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, các giải pháp quy hoạch giao thông thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông thực tế đang ngày một tăng nhanh. Để giải quyết vấn đề này, theo kinh nghiệm các nước, việc lập quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng hay tích hợp quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển giao thông là điều bắt buộc. Để có dự báo tương đối chính xác về phát triển dân số và nhu cầu giao thông đô thị phục vụ cho công tác lập quy hoạch, Hà Nội cần xây dựng và định kỳ cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu cần thiết để tiếp tục phục vụ cho giai đoạn lập quy hoạch các phân khu và quy hoạch chi tiết theo định hướng giao thông công cộng.
Mặt khác, cũng có đề xuất việc phát triển không gian ngầm sẽ là giải pháp tối ưu để giảm bớt gánh nặng cho không gian mặt đất, cải thiện sự thông thoáng cho đô thị, góp phần giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề đô thị, đặc biệt là giải quyết bài toán ùn tắc giao thông. Do đó, cần có quy hoạch phát triển giao thông ngầm đồng bộ với quy hoạch phát triển không gian ngầm của các thành phố, đô thị nhằm sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả quỹ đất để xây dựng nhà ở, các công trình thương mại, dịch vụ và các công trình phục vụ lợi ích công cộng.
Theo giới chuyên gia về lĩnh vực giao thông, trong thời gian tới, để đảm bảo phát triển hệ thống giao thông đô thị bền vững, Hà Nội cần triển khai đồng bộ một số giải pháp đột phá trong quy hoạch như các giải pháp về quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông đô thị. Trong đó, cần dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang an toàn giao thông, đảm bảo đất xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông động và giao thông tĩnh đạt bình quân 5 - 20% đất đô thị.
Xây dựng 8 bãi đỗ xe ngầm khu vực quận Ba Đình
Sở GTVT Hà Nội vừa có ý kiến với Sở Quy hoạch và kiến trúc về việc xây bãi đỗ xe ngầm trong khu Trung tâm chính trị Ba Đình (Hà Nội).
Theo Sở GTVT Hà Nội, qua rà soát đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đã được HĐND TP Hà Nội phê duyệt khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình có 8 bãi đỗ xe gồm các địa điểm: Khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh (diện tích đất 6.300m2, xây dựng 2 bãi với công suất 100 xe và 500 xe), khu vực vườn Kính Thiên (7.000m2, xây dựng bãi đỗ xe 3 tần, công suất 500 xe), phía Tây Công viên Bách Thảo (2.500m2, xây dựng 2 bãi đỗ xe với công suất 50 và 180 xe), phía Bắc đường Thụy Khuê (2 điểm với công suất 50 và 200 xe với diện tích 7.000m2), khu tập thể Bảo tàng Hồ Chí Minh (xây bãi đỗ xe 3 tầng công suất 300 xe với diện tích 6.000m2).