Sức bật từ tổ tự quản, tổ hợp tác
Mới ra đời và đi vào hoạt động tròn một năm nay, nhưng những Tổ tự quản, Tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực.
Lãnh đạo MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái trao đổi với cán bộ MTTQ Tổ dân phố số 2, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ về việc thành lập, ra mắt các mô hình tự quản.
Không ai ngờ rằng, người dân xã Việt Hồng (huyện Trấn Yên) lại có ngày làm ăn, phát triển kinh tế bằng… cây dược liệu, đó là cây lá khôi. Hiện nay, toàn xã đã trồng được 10ha. Mọi việc bắt đầu cách đây một năm, khi thực hiện chỉ đạo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái về triển khai mô hình Tổ tự quản (TTQ), Tổ hợp tác (THT). Ủy ban MTTQ xã Việt Hồng đã cho ra mắt THT trồng cây lá khôi với sự tham gia của 7 hộ dân trên diện tích 5,8 ha. THT là mô hình hợp tác phát triển kinh tế giữa các hộ gia đình, có sự hỗ trợ của MTTQ trong liên kết giữa, hợp tác giữa nhà nông với nhà khoa học - nhà doanh nghiệp.
Là loại cây dược liệu hoàn toàn mới, chưa từng trồng ở địa phương nên chưa ai có kiến thức, kinh nghiệm gì. Số tiền bỏ ra để mua cây giống và thuê nhân công chăm sóc cũng không ít nên ban đầu nhiều người băn khoăn. Tuy nhiên, các thành viên THT được hỗ trợ 50% tiền mua cây giống ban đầu, được tham gia tập huấn kỹ thuật và được chính quyền, đoàn thể huyện Trấn Yên, xã Việt Hồng tìm đầu ra cho sản phẩm nên người dân bắt đầu yên tâm với loại cây mới. Lá khôi ưa ẩm nên có thể trồng xen với một số loài cây khác dưới tán rừng nên để tận dụng đất hoặc trồng và ven các khe suối, chân đồi, quanh nhà…
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Việt Hồng Hoàng Hữu Sơn chia sẻ: “Việc thành lập THT đã khuyến khích các hộ sản xuất hàng hóa theo hướng phát triển kinh tế tập thể, phát huy tính chủ động, tham gia hoạch định theo hợp đồng, hợp tác, chia sẻ, học tập kinh nghiệm, liên kết thị trường để cùng có lợi. Do tính chất tự nguyện, tự chủ, tự quản nên hoạt động của THT rất linh hoạt và mềm dẻo theo quy ước của những người tham gia nên hiệu quả cao”.
Lá khôi là loại dược liệu quý dùng trong điều trị bệnh dạ dày và đau bụng. Dự tính, khi thu hoạch với giá bán từ 200.000 - 250.000 đồng/kg lá khô, trung bình mỗi năm, các thành viên trong THT có thể thu được từ 50 triệu đồng trở lên.
Mô hình THT do Mặt trận và các đoàn thể tổ chức không chỉ giới hạn trong các mô hình sản xuất, mà còn phát triển ở các loại hình kinh tế khác, trong đó có du lịch. Thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh (huyện Yên Bình) bây giờ đã là một “bản du lịch” có tiếng. Cô gái dân tộc Dao, Lý Thị Sam Sung đã tiếp nối việc kinh doanh du lịch từ gia đình, với hai ngôi nhà sàn tiếp đón khoảng 40 khách và hệ thống 3 phòng nghỉ khép kín. Mỗi năm, gia đình Sam Sung đón trên 1.000 du khách. Trong quá trình làm ăn, nhận được sự động viên, hỗ trợ của Mặt trận, Đoàn Thanh niên, đồng thời, nhận thấy cơ hội phát triển du lịch cho cộng đồng xã Vũ Linh nếu thực hiện liên kết các hộ gia đình, năm 2019, Sam Sung mạnh dạn đứng ra thành lập THT phát triển kinh tế du lịch cộng đồng thôn Ngòi Tu với thành viên ban đầu là 3 bạn trẻ trong xã. THT này không chỉ tạo việc làm, đem lại thu nhập cho người dân địa phương mà còn nâng cao nhận thức về giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn.
“Qua THT, chúng em mong muốn quê hương trở thành điểm đến hấp dẫn, giúp du khách có được không gian trải nghiệm truyền thống về nét đẹp thiên nhiên, văn hóa của người Dao. THT phát triển kinh tế du lịch cộng đồng còn giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc xây dựng môi trường văn minh, sạch đẹp, an toàn”- một thành viên THT cho biết.
Nếu mô hình THT chú trọng phát triển kinh tế thì mô hình Tổ tự quản (TTQ) lại tập trung vào 7 nội dung tự quản, gồm: Nhân khẩu, hộ khẩu; tài sản; trật tự trị an; vệ sinh môi trường; an toàn giao thông; trật tự công cộng.
Xã Tuy Lộc, TP Yên Bái chính là điểm sáng trong xây dựng các mô hình tự quản. Xã có 6 thôn nhưng có tới gần 20 TTQ do Ủy ban MTTQ và tổ chức đoàn thể trong xã phụ trách. Các TTQ đã phát huy hiệu quả trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sống “sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Minh Long là một trong những thôn đông dân cư của xã, trước đây, người dân trong thôn thường chỉ tập trung vệ sinh quét dọn khu vực xung quanh nhà và trước cổng, ngõ nên các tuyến đường trong thôn thường có nhiều cỏ rác, lá cây, bụi đất. Tuy nhiên, kể từ khi thành lập TTQ vệ sinh môi trường, thực trạng trên không còn. Vào thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần, các thành viên trong tổ đều tự nguyện vệ sinh quét dọn đường làng, ngõ xóm, trồng hoa; đồng thời, tranh thủ tuyên truyền, vận động các hộ dân cùng tham gia thực hiện… Ngoài ra còn có các TTQ khác về trật tự, trị an, an toàn giao thông… Hoạt động của các TTQ tạo điều kiện thuận lợi cho xã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ an ninh - chính trị, phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm hình sự nguy hiểm.
TTQ, THT trên địa bàn tỉnh Yên Bái ra đời nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, các hộ gia đình, đặc biệt là phát huy vai trò của Ban Công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể nhân dân, trưởng thôn (bản), tổ dân phố trong việc giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn minh, trật tự công cộng. Các mô hình này hoạt động dựa trên nguyên tắc “tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự chịu trách nhiệm” để phát huy tinh thần đoàn kết, quyền làm chủ của nhân dân, huy động tiềm năng, nguồn lực của người dân, cộng đồng trong việc tham gia quản lý xã hội, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Tỉnh ủy, Ủy ban và Ủy ban MTTQ tỉnh phát động.
Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái cho biết: “Hết năm 2019, MTTQ các cấp trong tỉnh đã thành lập mới 2.381 TTQ và 49 THT. Các mô hình này đã phát huy nội lực của cộng đồng dân cư, đẩy mạnh các phong trào thi đua rộng khắp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương”.