Trung Quốc trước nỗi lo tái bùng phát đại dịch
Theo Blooberg, kể từ ngày 18/5, khoảng 108 triệu người ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc đã bị phong tỏa trở lại vì nguy cơ đại dịch Covid-19 bùng phát lần hai.
Các thành phố ở tỉnh Cát Lâm đã ngưng dịch vụ xe buýt và tàu lửa, đóng cửa trường học và cách ly hàng ngàn người. Tuy nhiên, tính tới thời điểm phong tỏa, vẫn theo Blooberg, tổng số người nhiễm Covid-19 tại tỉnh Cát Lâm là 127 người- ít hơn nhiều so với con số 68.000 người của tỉnh Hồ Bắc (nơi virus bùng phát).
Người dân thành phố Cát Lâm (tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc) vẫn phải đo thân nhiệt do lo ngại bùng phát đợt thứ 2 đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.
Điều đó đã khiến cho lãnh đạo Trung Quốc lo ngại bùng phát một đợt dịch thứ hai. Và cũng vì thế mà lệnh siết chặt khu vực phong tỏa được áp dụng một cách cứng rắn. Chính quyền thành phố Thư Lan (tỉnh Cát Lâm) cho biết, những khu dân cư có trường hợp nghi nhiễm hoặc bị chẩn đoán nhiễm Covid-19 sẽ bị cách ly, mỗi gia đình chỉ có 1 người được phép ra ngoài mua nhu yếu phẩm trong vòng 2 tiếng mỗi 2 ngày.
Trước đó, Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan- người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm ứng phó Covid-19 của Trung Quốc đã đến Cát Lâm (ngày 13/5). Đến ngày 16/5, Bí thư Thành ủy cùng 5 quan chức của Thư Lan (nơi xuất hiện ổ dịch mới) đã bị cách chức. Chính quyền cũng cho biết, bất cứ ai từng đến Thư Lan cũng sẽ bị buộc phải cách ly 21 ngày.
Ông Shen Jia- một cư dân ở Thư Lan cho biết, người dân không dám ra khỏi nhà vì cảnh sát mặc đồ bảo hộ luôn xuất hiện bất cứ lúc nào.
Thực tế thì từ ngày 19/5, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết đã có thêm ca nhiễm Covid-19 mới ở tỉnh Cát Lâm và ở TP Vũ Hán. Như vậy, việc tái lây nhiễm cộng đồng đã được xác nhận càng gia tăng mối lo bùng phát trở lại dịch bệnh này.
Theo báo South China Morning Post, tất cả trường hợp này đều liên quan đến một phụ nữ cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây Covid-19 tại TP Thư Lan hôm 7/5. Tỉnh Liêu Ninh gần đó cũng có 3 trường hợp liên quan đến đợt bùng phát nói trên. Tại TP Thượng Hải, một ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng cũng được xác nhận hôm 17/5 và là ca đầu tiên kể từ hôm 23/3.
Tất cả những điều đó làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ xảy ra làn sóng ca Covid-19 thứ 2 tại Trung Quốc đại lục trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này tìm cách mở cửa lại sau thời gian phong tỏa để đối phó dịch bệnh. Ông Zhong Nanshan- cố vấn y tế cấp cao của Chính phủ Trung Quốc cho rằng nước này vẫn đối mặt thách thức lớn về nguy cơ xảy ra làn sóng ca Covid-19 thứ hai.
Vì thế người ta đã nỗ lực ngăn chặn điều tệ hại có thể lại đến bằng những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Đáng kể là việc chính quyền TP Vũ Hán đã cho tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với toàn bộ 11 triệu dân sau khi ghi nhận một chùm 6 ca nhiễm trong cộng đồng.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, sự trở lại của kinh tế Trung Quốc sẽ khó có hình chữ V như đợt dịch SARS 2003. Nhìn lại năm 2003, các khoản đầu tư chiếm 55% GDP Trung Quốc. Nhờ các dự án đầu tư và xây dựng tiếp tục được triển khai, kinh tế Trung Quốc đã duy trì được tăng trưởng và nhanh chóng phục hồi. Dù tỷ lệ tăng trưởng kinh tế quý II/2003 giảm xuống còn 5%, nhưng kết thúc năm 2003 mức tăng trưởng vẫn cao hơn 1% so với năm 2002.
Ngược lại, đầu tư năm 2019 của Trung Quốc chiếm chưa tới 40% GDP quốc gia, trong khi tiêu dùng đã tăng lên 60%. Đi cùng sự lên ngôi của tiêu dùng trong nước là sự phát triển của ngành dịch vụ, hiện đang đóng góp 54% GDP Trung Quốc. Tác động kinh tế của dịch bệnh lần này xuất phát từ nhu cầu phải cách ly công dân, đồng nghĩa dập tắt khả năng và mong muốn giải trí, mua sắm, du lịch, giao thiệp... của người tiêu dùng. Trong quá trình hồi phục hậu Covid-19, tái khởi động các hoạt động tiêu dùng sẽ tốn nhiều thời gian hơn là thúc đẩy sản xuất và đầu tư. Vì thế, việc lo sợ bùng phát đợt thứu hai dại dịch Covid-19 ở nước này cũng là điều dễ hiểu.