Thuốc sốt rét và cuộc chiến chống Covid-19

Đinh Hoàng Tú (tổng hợp) 24/05/2020 08:00

Câu chuyện Tổng thống Mỹ Donad Trump cho rằng uống thuốc chống sốt rét để ngừa Covid-19 đang được bàn luận sôi nổi, với nhiều tranh cãi. Vào ngày 18/5, ông Trump cho biết mình đang uống một loại thuốc điều trị sốt rét để ngừa virus SARS-CoV-2.

Ông Trump nói: “Một vài tuần trước thì tôi bắt đầu uống. Vì tôi nghĩ nó tốt. Tôi đã nghe nhiều câu chuyện khả quan. Nếu thuốc mà không tốt thì tôi sẽ nói ngay, đúng không. Tôi không bị gì khi uống thuốc này đâu. Nó đã được dùng 40 năm rồi”. Ngay sau phát biểu của ông Trump, kênh Fox News đã phỏng vấn một bác sĩ cảnh báo mọi người không nên uống thuốc Hydroxychloroquine.

Thuốc sốt rét và cuộc chiến chống Covid-19

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo về Covid-19 tại khuôn viên Vườn hồng ở Nhà Trắng. Nguồn: The Washington Post.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Mỹ ca ngợi Hydroxychloroquine là loại thuốc có tiềm năng điều trị Covid-19. Trước đó, ông Trump cho biết ông đã hỏi bác sĩ Nhà Trắng liệu có thể uống Hydroxychloroquine hay không và bác sĩ trả lời ông có thể uống nếu muốn. Vì thế ông đã dùng 1 viên mỗi ngày trong khoảng 1 tuần rưỡi với việc bổ sung kẽm. Ông Trump cũng cho hay ông đưa ra quyết định trên dựa vào những đánh giá tích cực về kết quả điều trị bệnh nhân mà ông nhận được từ các nhân viên chăm sóc sức khỏe ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Hiệu quả chưa được chứng minh

Tuy nhiên, việc ông Trump cho biết mình sử dụng thuốc sốt rét Hydroxychloroquine để ngừa bệnh Covid-19 đã lập tức gây tranh cãi, khi các chuyên gia y tế lo ngại nguy cơ người dân đổ xô đi mua thuốc Hydroxychloroquine trong loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm. Giới chuyên gia khẳng định hiệu quả của loại thuốc này trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 vẫn chưa được chứng minh, cũng như không có bằng chứng cho thấy nó có tác dụng như biện pháp phòng ngừa.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) từng khuyến cáo không nên sử dụng hai loại thuốc chữa sốt rét là Hydroxychloroquine và Chloroquine trong điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19 do có nguy cơ gây ra những vấn đề nghiêm trọng về nhịp tim. Theo FDA, các thuốc này có thể khiến tim đập bất thường. Nhịp tim có nguy cơ đập nhanh khi dùng kết hợp hai loại thuốc này với các thuốc khác như thuốc kháng sinh Azithromycin cũng như ở những bệnh nhân có bệnh lý tim và thận. Bộ Y tế Canada và Cơ quan Dược phẩm châu Âu cũng phản đối việc sử dụng Hydroxychloroquine để điều trị Covid-19, trừ việc thử nghiệm lâm sàng.

Hydroxychloroquine và hợp chất liên quan là Chloroquine đã được sử dụng từ vài chục năm nay để điều trị sốt rét, chứng rối loạn miễn dịch và bệnh thấp khớp.

Các thuốc chứa hoạt chất Chloroquin/Hydroxychloroquin là thuốc kê đơn chỉ được sử dụng khi có chỉ định, theo dõi và điều trị viêm đa khớp dạng thấp, ngừa hoặc điều trị sốt rét cấp tính, diệt amíp ngoài ruột, lupus ban đỏ, phản ứng dị ứng với ánh sáng (da nhạy cảm với ánh sáng).

Nhiều chuyên gia y tế cho biết, việc đưa thuốc có thành phần Chloroquine vào điều trị bệnh Covid-19 của FDA còn đang trong giai đoạn nghiên cứu lâm sàng, chứ chưa có khuyến cáo sử dụng thuốc này. Nhưng trên thực tế, phát biểu của Tổng thống Mỹ lại khiến không ít người tin theo, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành và chưa có vaccine cũng như thuốc đặc trị.

Thuốc sốt rét và cuộc chiến chống Covid-19 - 1

Loại thuốc gây tranh cãi.

Phản bác của giới y tế

Để khẳng định, Tổng thống Mỹ nói: “Nếu các bạn xem một số báo cáo từ Pháp, Italy hay từ những nhân viên y tế tuyến đầu cho thấy đều có suy nghĩ giống như tôi. Tuy nhiên bạn biết đấy, mọi người phải tự đưa ra quyết định của mình. Loại thuốc này đã được tung ra thị trường trong 60 hoặc 65 năm để chữa bệnh sốt rét, lupus và những bệnh khác”.

Nhưng điều đó không ngăn được suy nghĩ của giới chuyên gia y tế khi nói rằng ông Trump có thể là một thương gia giỏi, một Tổng thống giỏi nhưng rốt cục vẫn không phải là một… nhân viên y tế. Mà ở đây lại là vấn đề chuyên môn sâu của Y học.

Dominique Costagliola- nhà dịch tễ học người Pháp cho rằng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vận động công khai việc sử dụng Hydroxychloroquine để ngừa Covid-19 có thể tạo ra hiểu lầm nguy hiểm đến người dân.

“Nhiều người sẽ dùng thuốc này mà không cần suy nghĩ và chắc chắn sẽ có tác dụng phụ nghiêm trọng đối với một số người. Vì vậy, những phát biểu từ các nhà lãnh đạo sẽ rất nguy hiểm. Đối với những kê đơn dự phòng cần phải tính toán mọi tác động, đặc biệt khi bạn không bị bệnh”- ông Costagliola nói.

Tiến sĩ Michael Head (Trường Đại học Southampton, Anh) cũng khẳng định, mặc dù thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy tính hữu ích của Hydroxchloroquine, nhưng không có bằng chứng cho thấy thuốc này có thể ngăn ngặn Covid-19. “Không phải ai cũng hiểu được tác dụng phụ nguy hiểm của loại thuốc này. Có rất nhiều điều chúng ta chưa biết về Hydroxychloroquine, đặc biệt là liên quan đến Covid-19. Chúng ta biết rằng thuốc này có tác dụng phụ dù sử dụng để điều trị theo cách nào, có thể gây buồn nôn và ói mửa. Thậm chí nó gây ra vấn đề về tim, nặng hơn là co giật và mê sảng. Nó không phải là thuốc không có tác dụng phụ. Khi chưa có chứng minh khoa học, sử dụng thuốc vì mục đích khác là không hợp lý”- TS M.Head nói.

Thuốc sốt rét và cuộc chiến chống Covid-19 - 2

Một nhân viên y tế mệt mỏi trong khuôn viên Bệnh viện Brooklyn ở thành phố New York, Mỹ.

Chạy đua tìm kiếm vaccine và thuốc điều trị Covid-19

Tới nay, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã đầu tư sâu về nghiên cứu vaccine và thuốc đặc trị.

Giới chức y tế Anh cho biết vaccine phòng SARS-CoV-2 do Đại học Oxford nghiên cứu, phát triển đã bắt đầu được thử nghiệm trên người từ ngày 23/4. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã ca ngợi các nhà nghiên cứu vì đã có những bước tiến nhanh chóng, đồng thời khẳng định nước Anh sẽ đầu tư mọi nguồn lực cần thiết để phát triển loại vaccine này. Chính phủ Anh thông báo tài trợ 24 triệu USD cho nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford và 27 triệu USD cho nhóm chuyên gia tại Đại học Imperial - cơ sở cũng có các nhà khoa học đang nghiên cứu, chế tạo vaccine.

Trước đó, các nhà khoa học tại Đại học Oxford tuyên bố mục tiêu của họ là chế tạo khoảng một triệu liều vắc xin ngừa virus SARS-CoV-2 vào tháng 9 tới. Từ cuối tháng 3, dự án của Đại học Oxford, liên danh giữa Viện Jenner và Nhóm vaccine Oxford, đã tiến hành tuyển chọn các đối tượng cho thử nghiệm lâm sàng là những người trưởng thành khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 đến 55.

Viện Paul-Ehrlich, tổ chức nghiên cứu và cơ quan quản lý y tế của Đức thuộc Bộ Y tế nước này cũng thông báo đã cho phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng lần đầu tiên với vaccine phòng SARS-CoV-2.

Trong khi đó, Ấn Độ cho biết sẽ sử dụng một loại vaccine phòng lao phổi cho trẻ sơ sinh để thử nghiệm trên người trưởng thành để xác định xem vaccine này có tạo ra cơ chế miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 hay không.

Còn tại Nhật Bản, một nhóm nghiên cứu quốc tế do các nhà khoa học nước này đứng đầu đã phát hiện ra 2 chất được cho là có thể sử dụng để bào chế thuốc chữa bệnh Covid-19. Cụ thể, trong công trình nghiên cứu chung có sự tham gia của 25 viện nghiên cứu trong và ngoài Nhật Bản do Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) của Nhật Bản và Đại học Khoa học Tokyo đồng chủ trì, các nhà nghiên cứu đã nỗ lực tìm kiếm các chất có khả năng ngăn chặn virus SARS-CoV-2 nhân bản trong khoảng 300 loại thuốc đã được cấp phép ở Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Họ đã tìm ra Nelfinavir, vốn được sử dụng để điều trị các triệu chứng do AIDS và Cepharanthine- vốn được sử dụng để chữa trị cho các bệnh liên quan tới việc suy giảm của bạch cầu (tế bào máu trắng).

Theo nhóm nghiên cứu, các mô hình máy tính cho thấy Nelfinavir có thể ngăn chặn các enzyme giúp SARS-CoV-2 nhân bản, trong khi Cepharanthine giúp ngăn chặn virus nguy hiểm này xâm nhập vào tế bào.

Đài truyền hình NHK dẫn lời ông Watashi Koichi- một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc NIID, cho biết 2 chất trên đã chứng minh hiệu quả cao trong các thí nghiệm.

Đó là những nỗ lực đáng ghi nhận nhưng dẫu thế thì vẫn phải quay lại một thực tế là chưa có vaccine hay thuốc điều trị Covid-19. Vì thế, không nên vì quá lo lắng mà vội vã tìm đến những loại thuốc nào đó, cho dù nó được “khuyên dùng” từ một vị Tổng thống.

Đinh Hoàng Tú (tổng hợp)