Sai lầm
Trong những ngày này dư luận đặc biệt quan tâm đến hai sự việc phản cảm của ngành giáo dục . Đó là việc bé gái lớp 1A1 Trường tiểu học Quang Trung đi học sớm, song không được vào lớp, bị cô giáo chủ nhiệm phê bình, chụp ảnh đăng trên mạng xã hội. Hai là việc phụ huynh xông vào lớp học dùng mũ bảo hiểm đánh cô giáo trọng thương xảy ra tại Trường Tiểu học – Trung học Cơ sở Lộc Giang, huyện Đức Hoà (Long An).
Trước hết là sự việc của bé gái lớp 1, chiều 21/5, trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, cô chủ nhiệm Lê Thị Kim Lan đã nhận lỗi trước lãnh đạo thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban giám hiệu nhà trường và phụ huynh. Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng yêu cầu UBND quận Ngô Quyền rà soát, xem xét trách nhiệm của cô chủ nhiệm, hiệu trưởng, đề xuất hình thức xử lý. Ông cũng chia sẻ hoàn cảnh khó khăn của phụ huynh, mong muốn phụ huynh đề xuất với nhà trường các vướng mắc để cùng tìm giải pháp phù hợp…
Trên thực tế, từ sau kỳ nghỉ dài ngày do dịch Covid -19, nhiều trường học chưa bố trí cho học sinh học bán trú, nên bố mẹ thường phải đưa đón con nhiều lần trong ngày. Ngoài ra, hầu hết các cơ quan làm việc từ 13h30, trong khi học sinh vào lớp lúc 14h. Nếu các trường học cứ cứng nhắc sẽ gây khó khăn cho phụ huynh và làm khổ học sinh. Sự việc này cho thấy cô giáo rất yếu kém về phương pháp sư phạm và thiếu tính nhân văn. Lẽ ra, biết học sinh của mình đến sớm cô phải hỏi lý do và tạo điều kiện cho các em nghỉ ngơi vui chơi an toàn chờ đến giờ vào học trong cái nắng trên 40 độ C thì cô giáo này lại gọi bé lên trước bục giảng cùng một số học sinh đi học sớm để phê bình trước lớp, chụp hình đưa lên nhóm chat chung của phụ huynh lớp. Nhiều chuyên gia giáo dục đều cho rằng bé còn nhỏ, rất dễ tổn thương tinh thần nên phải kết hợp “dạy” và “dỗ”. Giáo viên phải là người thực hiện quyền trẻ em trong trường học và hành động sai của giáo viên có thể khiến học sinh bị ảnh hưởng tâm lý và sức khỏe.
Hình ảnh em bé đeo khẩu trang đứng chơ vơ, buồn bã trước cổng trường trong cái nóng như thiêu như đốt mà cô giáo đưa lên nhóm cha mẹ với mục đích cảnh báo và nhắc nhở các phụ huynh không chỉ khiến người thân của em đau lòng mà còn gây ám ảnh và làm nhức nhối tâm trạng của hầu hết những người làm cha mẹ. Cho dù có biện minh bằng bất kể lý do nào đi nữa, rõ ràng với cách ứng xử yếu kém ấy của một bộ phận giáo viên thì dư luận cũng dễ hiểu hơn câu chuyện vụ phụ huynh xông vào lớp học dùng mũ bảo hiểm đánh cô giáo trọng thương khi nghe con cháu mình kể lại bị cô giáo lấy cây thước gõ vào đầu. Tất nhiên việc làm của gia đình cháu bé sai hoàn toàn, nhưng rõ ràng người ta thấy hành động sai bắt nguồn từ hành vi phản giáo dục của chính những người đang đứng ở vị trí người thày.
Nói như ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) trong các trường sư phạm đã có môn tâm lý giáo dục nhưng dường như điều này vẫn chưa đủ, cần phải đưa quyền trẻ em như là một môn học chính thức để giảng dạy.