Sai phạm chồng sai phạm tại Trường Đại học Điện lực
Công tác bổ nhiệm một số trường hợp không đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Công tác quản lý tài chính, thu chi học phí, lệ phí, quản lý phôi bằng, hoạt động dịch vụ kê khai, sử dụng các quỹ công nợ, mua sắm thiết bị, đầu tư không đúng quy định… Đó là hàng loạt sai phạm xảy ra tại Trường Đại học Điện lực vừa được Thanh tra Bộ Công thương công bố.
Trụ sở Trường Đại học Điện lực tại đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
“Bát nháo” thu chi học phí, quản lý bằng cấp
Theo Cơ quan thanh tra, Trường Đại học Điện lực đào tạo một số ngành nghề không hiệu quả, số lượng sinh viên theo học ít, mỗi lớp chỉ vài sinh viên như: Ngành quản trị kinh doanh chất lượng cao, ngành tài chính ngân hàng chất lượng cao… Nhiều sinh viên hệ chất lượng cao khoá D9, D10 ra trường nhưng chưa được cấp bằng tốt nghiệp vì chưa đáp ứng được chuẩn Tiếng Anh đầu ra.
Trường này cũng tồn tại một số dư công nợ phải thu của sinh viên trên phần mềm theo dõi học phí với số tiền lớn hơn tại thời điểm ngày 31/12/2018 là 18 tỷ 641 triệu đồng. Trường cũng chưa rà soát, đối chiếu, phản ánh chính xác số tiền thu học phí của sinh viên. Đáng chú ý, việc tổ chức học, thu học phí và thi kết thúc học phần tại trường không đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch. Trong công tác thu học phí tiềm ẩn rủi ro về công tác thu phí và đào tạo.
Đặc biệt, việc tự thực hiện tổ chức tự thu của trường Đại học Điện lực chưa đúng do trường tự chi chưa quyết toán thu, chi sai quy định và nguyên tắc quản lý tài chính.
Trong quá trình xác minh đơn thư tố cáo, đoàn thanh tra của Bộ Công Thương còn phát hiện khoa Điều khiển Tự động hoá đã thực hiện thu một số khoản thu đối với sinh viên không có trong quy chế của nhà trường, trái với quy định như lệ phí thực tập tốt nghiệp, lệ phí trả nợ môn học, lệ phí thi lại lần 3. Ngoài ra Phó trưởng khoa này còn chỉ đạo và thu tiền “chống trượt” thi tốt nghiệp của 22 sinh viên với số tiền hơn 70 triệu đồng.
Cơ quan Thanh tra cũng phát hiện, trường Đại học Điện lực chưa thực hiện quản lý phôi bằng theo quy định do Bộ GDĐT ban hành. Cụ thể, năm 2017, trường Đại học Điện lực in lại phôi bằng theo logo mới nhưng không thực hiện huỷ bỏ phôi bằng cũ theo quy định. Trường không rà soát, đối chiếu, kiểm tra phôi bằng cấp, in và phát cho sinh viên trong giai đoạn 2011-2018 dẫn đến công tác quản lý phôi bằng trong giai đoạn này chưa thực hiện đúng theo quy định trong việc phát và thu hồi phôi bằng.
Về hoạt động kinh doanh và dịch vụ trong trường, Đại học Điện lực chưa hạch toán doanh thu và thu nhập khác đối với khoản lãi phải thu của trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Hồng Lam với tổng số tiền là 2,1 tỷ. Trường chưa kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đầy đủ đối với doanh thu hoạt động dịch vụ đào tạo tại chức chất lượng cao. Chi phí thuế VAT Trường tính thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp là 2 tỷ chưa đúng quy định.
“Đụng đâu, sai đó”
Thanh tra Bộ Công thương xác định, trường Đại học Điện lực đầu tư 100% mua lại trường Hồng Lam chưa đúng quy định của pháp luật. Tại thời điểm này, trường Đại học Điện lực là đơn vị trực thuộc EVN, giá mua chuyển nhượng của ACT cao hơn giá thẩm định của chứng từ thẩm định. Giá trị trường Đại học Điện lực mua trường Hồng Lam khi chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục, chưa xin ý kiến của EVN, chưa thực hiện thẩm định khi ký hợp đồng chuyển nhượng, giá trị chuyển nhượng cao hơn giá trị thẩm định là 248 triệu.
Trường tự ý thực hiện các thỏa thuận chuyển nhượng với cá nhân và Công ty cổ phần Hỗ trợ phát triển năng lượng Việt Nam (công ty EDF). Tuy nhiên, việc chuyển nhượng chưa thành công, trường chưa có báo cáo Bộ Công thương và các cơ quan chức năng về tính pháp lý của trường Hồng Lam và việc chuyển nhượng. Đến thời điểm thanh tra, hồ sơ trường trung cấp không có hợp đồng chuyển nhượng và các văn bản pháp lý liên quan việc chuyển nhượng trường Hồng Lam với Công ty EDF.
Ngoài ra, trường Đại học Điện lực sử dụng nguồn tiền của trường bảo lãnh và thanh toán 21 tỷ tiền vay và tiền lãi vay cho chính hợp đồng vay vốn của công ty EDF với ngân hàng. Công ty EDF không thực hiện đúng cam kết gây rủi ro tranh chấp về mặt pháp lý và báo cáo không chính xác về chủ sở hữu trường Hồng Lam.
Về việc thực hiện tổ chức mua sắm trang thiết bị, công tác mua sắm của trường còn tồn tại một số vi phạm, thiếu sót trong việc tổ chức thực hiện. Cụ thể một số gói thầu áp dụng chưa đúng hình thức lựa chọn thầu, chưa đăng tải đầy đủ các thông tin lên báo Đấu thầu, Cổng thông tin đấu thầu quốc gia chưa lập đầy đủ các biên bản đóng, mở thầu, thầu không nộp bảo lãnh theo quy định.
Về nội dung tố cáo bộ chứng từ thanh toán tổ chức đoàn khách nước ngoài tham dự Hội nghị khoa học không đúng thực tế, đoàn thanh tra xác định: Bộ chứng từ thanh toán tổ chức đoàn khách nước ngoài tham dự hội nghị khoa học được thực hiện thanh toán nhưng không chặt chẽ, không thể hiện đầy đủ, chính xác.
Trường Đại học Điện lực và Công ty cổ phần Tổ chức Hội nghị Việt Nam, Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại Vinacomin đã ký hợp đồng và nghiệm thu thanh lý với tổng số tiền 500 triệu đồng. Đối chiếu, xác minh với các thành phần có tên trong danh sách nghiệm thu cho thấy việc nghiệm thu, thanh lý không đúng thực tế. Về số lượng các cá nhân không sử dụng dịch vụ hỗ trợ của trường, không tham gia du lịch Bái Đính -Tràng An nhưng vẫn được thanh toán theo biên bản nghiệm thu.
Theo Cơ quan thanh tra xác định, để xảy ra tình trạng quản lý tài chính chưa đúng quy định, tiềm ẩn nhiều sai phạm như đã nêu trên, trách nhiệm thuộc về Đảng uỷ nhà trường, trong đó có ông Trương Huy Hoàng - Bí thư, Hiệu trưởng nhà trường và ông Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường.
Về công tác cán bộ, công tác bổ nhiệm, trong giai đoạn từ 2017-2018, trường Đại học Điện lực thực hiện công tác bổ nhiệm một số trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Trong đó, một trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn về thời gian công tác khi bổ nhiệm là ông Bùi Mạnh Tú thiếu 20 ngày theo quy định. Việc hiệu trưởng nhà trường bổ nhiệm ông Bùi Mạnh Tú giữ chức Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế là không đúng quy định. Theo quy định, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ phải có kinh nghiệm giảng dạy đại học ít nhất 5 năm.