Nguồn sử liệu quý từ chuyến du ký sống động
Xuất hiện lần đầu vào năm 1892, tác phẩm “Une campagne au Tonkin” của tác giả Charles-Édouard Hocquard - một thầy thuốc quân y kiêm nghệ sỹ nhiếp ảnh người Pháp - nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu. Tuy nhiên, phải 128 năm sau, cuốn sách mới được dịch và xuất bản một cách đầy đủ ở Việt Nam mang tới cho độc giả nguồn sử liệu quý giá…
Một bức tranh khắc in trong sách.
1. Trong lần xuất bản ở Việt Nam, “Une campagne au Tonkin” có tựa tiếng Việt là “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” được dịch giả Đinh Khắc Phách dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, và là cuốn sách đầu tiên trong Tủ sách Đông Dương của Công ty sách Đông A. Đây là một cuốn sách dạng ký sự - du ký, tái hiện lại con người, cảnh vật cùng những nét phong tục, tập quán, lối sống, nghề nghiệp và nếp sinh hoạt của xã hội Bắc Kỳ và Trung Kỳ cuối thế kỷ XIX, qua những ghi chép lý thú và 232 minh họa độc đáo
Đặt tên sách là “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”, nhưng thực tế tác giả tham gia 4 chiến dịch dài ngắn khác nhau, trong đó có 3 cuộc đôi bên giao chiến ác liệt. Tuy nhiên, tác giả không kể nhiều về các trận đánh mà tập trung viết về những điều mới lạ mà ông tận mắt chứng kiến và tìm hiểu được về vùng đất Viễn Đông xa xôi mà “ở Pháp biết bao người nhắc tới”.
Sách có bố cục 23 chương, đưa người đọc theo hành trình rong ruổi trên khắp các nẻo đường Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Nam Định, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Đà Nẵng, Huế của bác sĩ Hocquard trong khoảng thời gian hơn hai năm (1884 - 1886). Trên hành trình này, tác giả đã có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc đủ mọi hạng người, từ những nhà buôn, cu li, quan lại, ký lục, gia đình và trẻ con bản xứ, thậm chí cả vua Đồng Khánh. Ông quan sát từ cảnh vật, kiến trúc đến con người, phong tục… và ghi chép, tìm hiểu, cũng như chụp lại những hình ảnh quan sát được. Phong tục tập quán An Nam được tác giả đặc biệt quan tâm: tục nhuộm răng đen, tục ăn trầu, búi tóc của đàn ông, nón quai thao của đàn bà, chỏm của trẻ con, thói đi chân trần, quần áo nâu của người Kinh, quần áo chàm của người Tày... đều được ghi lại.
Bởi thế, mốt số ý kiến đánh giá, “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” là nguồn sử liệu quan trọng để tìm hiểu về nền chính trị, kinh tế, xã hội miền Bắc và miền Trung Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Từ địa dư, phong tục tập quán, tín ngưỡng, các làng nghề thủ công truyền thống đến con người, tổ chức xã hội, một số công trình kiến trúc quân sự và dân sự nổi tiếng một thời của xứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ đều lọt vào đôi mắt quan sát tinh tường của một nhà nhiếp ảnh tài tình. Nhờ đó, bác sỹ Hocquard dựng lại cho chúng ta một cách sống động một bản đồ Hà Nội và Huế với những di sản vốn có của nó và cả những vàng son mà nay đã trở thành quá vãng, như điện Kính Thiên, quần thể chùa Báo Ân hay cung Bảo Định…
Cách viết kiểu du ký, ký sự khiến những ghi chép trở nên thú vị và phù hợp với nhiều lứa tuổi, nhiều đối tượng độc giả.
2. Tác giả Charles-Édouard Hocquard (1853 - 1911) sinh tại Nancy, Pháp. Năm 1884, ông tình nguyện sang Đông Dương để phục vụ trong quân đoàn viễn chinh và trở thành một nhà chép sử bằng ảnh chụp vùng đất này. Hàng trăm bức ảnh hiếm hoi về con người và phong cảnh của xứ sở mới đã mang về cho Hocquard huy chương vàng danh giá tại Triển lãm Toàn cầu ở Anvers năm 1885. Vào các năm 1889 - 1891, Hocquard cho đăng chuyện kể về chuyến đi chiến đấu của mình dưới đầu đề “Trente mois au Tonkin” (30 tháng ở Bắc Kỳ) trên tạp chí Le Tour du monde (Vòng quanh thế giới). Các ảnh chụp đã thành minh họa trên báo qua những bản khắc tinh xảo của các nghệ nhân Pranishnikoff, E. Ronjat, D. Lancelot, Th. Weber… do kỹ thuật hồi đó chưa cho phép sao chụp ảnh trực tiếp. Năm sau, 1892, Hocquard lấy nội dung và hình ảnh minh họa trên cùng với nhà Librairie Hachette xuất bản thành sách mang tên “Une campagne au Tonkin”.
Đảm nhận phần chuyển ngữ cuốn sách là dịch giả Đinh Khắc Phách. Ông sinh năm 1930 trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông học tiếng Pháp từ thuở nhỏ và sớm có niềm say mê thơ văn, lịch sử. Năm 1950, ông tham gia quân đội kháng chiến chống Pháp, giữ nhiều chức vụ quan trọng. Sau này, khi đã nghỉ hưu, ông quay lại dịch một số tác phẩm văn thơ tiếng Pháp như một thú vui lúc thư nhàn.
Thừa nhận lần đầu cầm cuốn “Une campagne au Tonkin” (Một chiến dịch ở Bắc Kỳ) trên tay “khá thờ ơ”, thậm chí khi được đặt vấn đề dịch để xuất bản, “rất hào hứng song cũng có phần dè dặt”, song đi sâu vào tác phẩm, dịch giả Đinh Khắc Phách phải thừa nhận, phần nội dung quan trong của tác phẩm cùng với 232 bức hình lớn nhỏ, là nội dung chủ yếu và giá trị đích thực của tác phẩm sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin phong phú, nhiều mặt và bổ ích về con người và cảnh vật đương thời những nơi tác giả đã có mặt trên đất nước ta.
Với vốn sống, kinh nghiệm chiến trường, và hơn hết là mối quan tâm sâu sắc đến văn hoá nước nhà, dù đã ở tuổi 90, nhưng dịch giả Đinh Khắc Phách đã làm việc cẩn trọng trong suốt hơn một năm, xử lý một khối lượng văn bản Pháp ngữ đồ sộ và thực hiện một hệ thống chú thích tỉ mỉ, mang đến cho độc giả những kiến thức chuẩn xác về các sự kiện lịch sử, phong tục dân gian và tập quán truyền thống của người Việt, làm nên một bản dịch quý trong Tủ sách Đông Dương.
“Vốn là một cuốn sách viết cho người Pháp đọc, hẳn bác sỹ Hocquard không thể ngờ rằng có ngày đối với người Việt Nam tác phẩm của ông lại giúp chúng ta hình dung được phần nào người và cảnh một bộ phận quan trọng của đất nước gần 150 năm về trước”- dịch giả nhận xét.
3. Một điều không thể không đề cập, đó là trong lần đến với bạn đọc Việt Nam lần này, “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” được ứng xử một cách hết sức trang trọng. Cuốn sách được trình bày theo đúng ấn bản gốc đầu tiên – “Une campagne au Tonkin” của nhà Librairie Hachette năm 1892 với 232 hình khắc tinh xảo trong đó có hơn 200 tranh khắc gỗ thớt và 4 bản đồ, được in chính xác gần như nguyên bản. Phía đơn vị làm sách là Công ty Đông A bổ sung 2 hình khắc, và một Phụ lục với 45 bức ảnh độc đáo do chính tác giả chụp, vốn không có trong bản gốc, nhằm giúp độc giả có được hình dung trọn vẹn hơn về đất nước đầu thời Đông Dương.
Đặc biệt, ngay lần đầu ra mắt, cuốn sách “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” được in 4 biên bản: ấn bản phổ thông, ấn bản cao cấp, ấn bản S500, và ấn bản S100 đáp ứng nhu cầu đa dạng của người đọc và giới chơi sách. Theo đó, 3 trong số 4 loại ấn bản phát hành được in hai màu (xanh, đen) kỳ công và tỉ mỉ. Giấy được sử dụng là loại giấy chất lượng cao, vốn được dùng trong các ấn bản sách đặc biệt S100 của Đông A. Ruột sách được in bằng công nghệ mực vi sinh thân thiện với môi trường.
Để cho ra đời ấn bản in 2 màu đảm bảo tính mỹ thuật, Đông A đã thực hiện một quá trình thử nghiệm công phu, chọn ra phương án tối ưu nhất nhằm tạo ra một sản phẩm không chỉ chất lượng mà phải gợi đúng cảm giác về hình ảnh xưa của cuốn sách.