'Áo chật', đô thị khó chuyển mình
Cuối tuần qua, sự kiện Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP Hồ Chí Minh công bố chuẩn bị cán đích hoàn thành vào tháng 10/2020 trở thành đề tài nóng, thu hút dư luận. Nóng bởi lẽ đây là dự án có vốn lớn đầu tiên sắp hoàn thành, dù về quy mô chưa thể sánh với các “siêu dự án” như tuyến đường sắt đô thị Metro, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2), Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (gồm phần lớn bản đảo Thanh Đa, Q.Bình Thạnh)…
Nhiều nơi tại TP HCM bị ngập mỗi khi mưa to.
Khác biệt lớn nhất là dự án đã có tín hiệu hoàn thành, so với các “siêu dự án” khác vẫn đang trong tình trạng “đóng băng” bởi nhiều vấn đề, nhất là tình trạng thiếu vốn đầu tư. Có dự án, kéo dài 20-30 năm chưa thể hoàn thành, phải lỗi hẹn với hai thế hệ người dân sinh sống tại chỗ.
Thiếu vốn đầu tư hạ tầng là vấn đề chung của các đô thị trên cả nước, nhưng trong bối cảnh phát triển của TP HCM hiện nay càng trở thành lực cản rất lớn. Trong 20 năm qua, quá trình phát triển đô thị của thành phố này luôn nằm trong cảnh chật vật bởi bài toán về phân bổ nguồn vốn. Mỗi năm, tỷ lệ ngân sách giữ lại rất khiêm tốn không đủ để thành phố lớn nhất nước đẩy lực mạnh hơn cho đầu tư hạ tầng nhằm đáp ứng đòi hỏi của sự phát triền kinh tế - xã hội.
Một đô thị vốn được ví như “chiếc áo chật”, nay càng trở lên khó cân đối. Nhiều sở ngành, cơ quan tham mưu từng khuyến nghị đối với UBND TP HCM cần sớm kiến nghị trung ương xin tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại từ 18% (giai đoạn 2018-2020) lên 24% giai đoạn tiếp theo và đạt 33% cho giai đoạn 2026-2030.
Lý do, Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP HCM được cho thực hiện từ vài năm gần đây nhưng không có cơ chế về ngân sách giữ lại, coi như không vận dụng được bao nhiêu. Điều TP HCM cần nhất là một hệ thống cơ chế đủ sức tự chủ trong quyền điều hành phát triển về quy hoạch. Hệ thống đó phải tự quyết được về thu - chi, bộ máy, chính sách và trách nhiệm kèm theo, nhằm tạo động lực bứt phá.
Tại Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” (gọi tắt là Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng) là trường hợp điển hình của những khó khăn về vốn đầu tư tại thành phố. Dự án được khởi công vào 6/2016 và chủ đầu tư là Tập đoàn Trung Nam tự tin dự kiến hoàn thành vào dịp 30/4/2018.
Tuy nhiên, dự án đã không thể về kịp tiến độ và thậm chí buộc phải ngưng thi công suốt một thời gian dài. Nhiều lùm xùm, bê bối liên quan đến quá trình chậm tiến độ tại dự án, trong đó đơn vị tư vấn tố cáo chủ đầu tư tự ý thay đổi vật liệu thép (xuất xứ Trung Quốc) khi xây dựng công trình. Đến mức, UBND TP HCM từng có quyết định thành lập đoàn kiểm tra đánh giá dự án. Mọi việc tưởng được giải quyết, công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2019 nhưng lại gặp nhiều vướng mắc về vốn, tiếp tục bị đình trệ suốt 6 tháng. Lý do, UBND TP HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn, ngân hàng chưa cho giải ngân.
Về phía chính quyền TP HCM cũng không dám đưa ra quyết định nên cuối tháng 8/2019, phải kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho ý kiến chỉ đạo. Và, tại cuộc họp với các bộ ngành để giải quyết khúc mắc tại dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng của TP HCM , Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã cho phép UBND TP HCM được toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện về đầu tư và hiệu quả của dự án. Sau cuộc họp, TP HCM tổ chức thanh tra, cuối cùng mới cho phép dự án được khởi động trở lại.
Có thể nói, với một dự án chống ngập cấp thiết tác động trực tiếp đến đời sống người dân, vẫn rất dễ vấp phải những thăng trầm và khó khăn. Và cuộc làm việc của Chủ tịch UBND TP HCM với đại diện chủ đầu tư -Tập đoàn Trung Nam về tiến độ dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng thu hút sự quan tâm của chính quyền và người dân thành phố đến như vậy, là điều dễ hiểu.
Công trình chống ngập này được kỳ vọng sẽ giúp TP HCM kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho quy mô diện tích 750 km2, chạy qua địa phần nhiều quận, huyện, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và chống ngập một phần cho khu vực trung tâm thành phố. Hơn nữa, dự án này còn giúp TP HCM cải thiện được một trong những vấn đề tồn tại từ nhiều năm qua trong công tác chống ngập đô thị, đó là vấn đề về điều tiết mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.
Tuy nhiên, ở một số khu vực trung tâm thành phố, do thiết kế hệ thống cống thoát nước cũ, liên quan đến công tác quy hoạch hạ tầng chưa thể thay thế, khiến tình trạng ngập nội bộ diễn ra thường xuyên vào mùa mưa.
Thiếu vốn, nguồn ngân sách giữ lại không đủ đầu tư hạ tầng phát triển theo kịp đòi hỏi của nền kinh tế - xã hội là vấn đề tồn tại, khó khăn trong nhiều năm qua của TP HCM. Với mức ngân sách giữ lại chỉ ở mức 18% hiện nay thì thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất nước vẫn còn phải quanh quẩn trong “chiếc áo đô thị chật hẹp”. Hơn bao giờ hết, TP HCM cần cơ chế để bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.