Khắc khoải tình yêu thời chiến
Truyện vừa “Truyền thuyết về quán tiên” của nhà văn Xuân Thiều đọc thì hay mà khó chuyển thể thành kịch bản phim. Đơn giản vì văn tả tâm trạng rất nhiều. Khi tác phẩm viết xong, truyện vừa này từng không được in cho dù không có một quyết định bằng văn bản của cấp có thẩm quyền nào.
Cảnh trong phim Truyền thuyết về quán tiên.
Nhà biên kịch Đoàn Tuấn thật có duyên khi viết và chuyển thể những kịch bản về đề tài chiến tranh cho những đạo diễn trẻ làm. Những đạo diễn này chưa từng chứng kiến cuộc chiến tranh tàn khốc. Năm 2005, kịch bản “Đường thư” đã được Hãng phim truyện Việt Nam giao cho đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng làm bộ phim truyện nhựa đầu tay. Bộ phim nói về sự hy sinh của những chiến sĩ liên lạc, người đưa thư thời chiến. Với bộ phim “Truyền thuyết về quán tiên” tuy không phải là phim đầu tay, nhưng đạo diễn Đinh Tuấn Vũ mới 30 tuổi.
Tuy “Truyền thuyết về quán tiên” được xếp vào dòng phim về đề tài chiến tranh, nhưng nếu để xem một bộ phim chiến tranh với những đại cảnh mưa bom, bão đạn, cháy nổ tan tành thì chắc chắn người xem sẽ thất vọng. Bộ phim đi sâu vào thân phận, nỗi khắc khoải về tình yêu trong thời chiến của những nữ thanh niên xung phong.
Cũng khai thác về sự hy sinh của những nước thanh niên xung phong nhưng trong bộ phim Ngã ba Đồng Lộc khác hẳn. Đó là những con người cụ thể. Những câu chuyện về ẩn ức tình yêu không được khai thác đậm nét như trong bộ phim Truyền thuyết về quán tiên.
Câu chuyện trong Truyền thuyết về quán tiên như có thật, lại như hư cấu. Chỉ những địa danh là có thật. Câu chuyện vừa huyền ảo, lại vừa rất thực diễn ra trong rừng Trường Sơn những năm 1966, 1967 cứ đau đáu người xem. Bộ phim được khởi quay ngày 6/4/2019, tại khe nước lạnh Lệ Ngân, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Bối cảnh này là nơi con suối mà nhà văn Xuân Thiều từng hành quân qua để vào mặt trận Trường Sơn và Trị -Thiên - Huế. Là nơi nhà văn Xuân Thiều viết truyền vừa Truyền thuyết về quán tiên. Đây cũng chính là nơi Bộ Tư lệnh Trường Sơn - 559 đã làm nên những sự tích anh hùng của mình. Những cảnh quay khác trong phim rất đẹp có bối cảnh ở suối Trạ Ang, đường 20 Quyết Thắng (huyện Bố Trạch), hang Tú Làn (huyện Minh Hóa), nông trường Ba Rền và một số ngọn đồi trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây...
3 nữ thanh niên xung phong trong bộ phim là Mùi (diễn viên Thúy Hằng), Tuyết Lan (Mai Anh), Phượng (Minh Khuê). Ba nữ thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ sửa đường cho các đoàn xe thì được binh trạm trưởng Lâm (diễn viên Minh Hải) chọn đi mở quán tại một hang động, nút giao của ngã ba tuyến đường. Nơi đây là địa điểm được chọn làm nơi dừng chân cho các đoàn xe chạy vào chiến trường. Giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, giữa cảnh chiến trường ác liệt, bom đạn luôn trút xuống, lại bỗng có một quán hàng có ba thiếu nữ xinh đẹp thì cánh lái xe Trường Sơn như được tiếp thêm sức sống, nghị lực.
Trong 3 nữ thanh niên xung phong, chỉ có Mùi-Trưởng quán là có chồng. Nhưng mới cưới được 3 ngày thì Hân- chồng Mùi đã đi biền biệt vào chiến trường 5 năm trời đằng đẵng không một cánh thư, một dòng tin gửi về. Mùi vẫn thường xuyên gửi thư vào chiến trường nhưng cũng không hồi âm. Còn Tuyết Lan và Phượng đều là chưa có chồng.
Kịch tính của câu chuyện xảy ra khi Mùi đề nghị Trưởng binh trạm Lâm tăng cường cho quán một chiến sĩ. Nhiệm vụ để đi săn bắn, góp phần cải thiện thịt vào nhân bánh chưng, xôi… Ku Xê- một người lính người Pakoh đã được giao nhiệm vụ về quán. Trớ trêu thay, Tuyết Lan lại bị bệnh “ít-tê-ri”. Đây là căn bệnh thuộc hệ thần kinh mà các bậc lương y thường gọi là “chứng uất”. Thường là do thất tình quá độ làm tâm thần rối loạn gây nên. Khi Tuyết Lan bị lên cơn, Ku Xê chăm sóc Tuyết Lan và hai bên đã không kiềm chế được tình cảm.
Trong truyện của nhà văn Xuân Thiều, Trạm trưởng Lâm đã hạ tầng Ku Xê từ binh nhất xuống binh nhì và thuyên chuyển vào trạm giao liên số 41. Đấy là trạm giao liên ở vùng nước độc nhất lại ác liệt nhất bởi vì luôn phải dẫn khách qua sông Xê Công. Còn Tuyết Lan được cho đi nạo thai và về đội thanh niên xung phong xung kích lấp hố bom ở ngầm Tà Khống. Còn trong phim, họ được Trạm trưởng Lâm cho 5 ngày tổ chức lễ cưới. Đó cũng là sự nhân văn và một cái kết có hậu cho một nữ thanh niên xung phong trong phim.
Với Phượng, cô thanh niên xung phong đã yêu Quỳnh, người lính lái xe. Biết chuyện của họ, Trạm trưởng Lâm vì nghiêm khắc đã điều chuyển Quỳnh vào chi viện cho chiến trường. Quỳnh đã hy sinh. Và Phượng đã xin vào chiến trường lo phần mộ cho Quỳnh.
Bên cạnh nỗi khắc khoải tình yêu với Hân, nhân vật Mùi còn khiến người xem cuốn hút khi được một chú vượn lớn si mê. Trong phim làm đậm thêm tình yêu của chú vượn với Mùi ở chi tiết vượn xông vào hang phá tung đồ vật chỉ vì ghen với Mùi đã chăm sóc cho chàng lính trẻ tên Thiệt. Từ sự sợ hãi vượn, Mùi bắt đầu thấy có chút cảm tình với vượn thì chính là lúc Thiệt đã bắn hạ được chú vượn. Mùi không cho Thiệt làm thịt chú vượn mà đem chôn.
Giữa khung cảnh quán tiên, khi chỉ còn lại hai người, suýt chút nữa Mùi đã không làm chủ được cảm xúc, khi cô nói Thiệt hôn mình. Nhưng cô chợt bừng tỉnh. Và Thiệt đã nhớ mãi nụ hôn lần đầu ấy.
Cuối cùng, không chịu nổi sự cô đơn, Mùi đã xin ra làm nhiệm vụ lấp đường cho những đoàn xe đi. Và cô đã hy sinh khi cố cứu một xe tải đạn bị trúng bom.
Chi tiết kết phim là việc Thiệt - một người cựu chiến binh đưa hai phóng viên đến thăm lại cánh rừng năm xưa, nơi có quán tiên. Từ nơi xa, anh nhìn về con đường đất nơi những đoàn xe đi năm xưa. Phía trước là hình ảnh người phụ nữ đi lặng lẽ, và phía sau là một chú vượn. Tất cả đều giữ khoảng cách.
Ngoài hình ảnh với những cảnh quay đẹp, bộ phim Truyền thuyết về quán tiên còn gây ấn tượng với bài hát, âm thanh dàn dựng công phu. Nếu có tiếc một chút cho phim là ở phần kỹ xảo chưa được “ngọt” khi xây dựng hình ảnh chú vượn, cũng như cảnh cháy nổ giữa rừng Trường Sơn…
Bộ phim Truyền thuyết về quán tiên đã giành được giải Bông sen Bạc ở Liên hoan phim Việt Nam 2019. Và giành giải Cánh diều Bạc năm 2020. Tuy vậy, đến ngày 22/5 bộ phim mới được ra rạp. Theo thông tin của đạo diễn, chỉ trong hai ngày công chiếu, bộ phim đã bán được hơn 300 triệu tiền vé.