Mong ước về trường học thân thiện

Vi Cầm 25/05/2020 08:00

Tuần vừa rồi, câu chuyện về học sinh (HS) ở Hải Phòng đứng ngoài cổng trường giữa trời nóng và sự việc thầy giáo thể dục bị tố “tát học sinh nhập viện” trở thành tâm điểm, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chưa cần bàn đến việc đúng sai trong mỗi sự việc, nhưng rõ ràng thông qua những câu chuyện ấy, thông qua cách hành xử giữa người lớn với con trẻ, giữa người lớn với người lớn, rõ ràng môi trường giáo dục đang tiềm ẩn những nguy cơ thiếu an toàn, không thân thiện.

Theo phân tích từ các chuyên gia, nếu áp vào thực tế hiện nay, môi trường học đường ở nhiều nơi vẫn còn thiếu các điều kiện “cần” và “đủ” để thực đạt yêu cầu an toàn- thân thiện.Vì thế, cho dù ngành giáo dục có đặt slogan “Tất cả vì học sinh thân yêu”, nhưng nếu chỉ khi sự việc đã rồi, người ta mới đi truy tìm nguyên nhân và trách nhiệm, thì mong muốn về một trường học thân thiện, mỗi ngày đến trường là một ngày vui- vẫn chỉ là mong ước xa xôi.

Vụ việc xảy ra ở Hải Phòng một lần nữa đã cho thấy lâu nay xã hội quan tâm và lên án kịp thời những hành vi vi phạm quyền trẻ em, các địa phương cũng xử lý vụ việc rất nhanh. Âu cũng bởi sự lan tỏa nhanh chóng từ cộng đồng mạng xã hội. Tuy nhiên, về lâu dài, giáo viên (GV) cần phải có hiểu biết về quyền trẻ em, cũng như cần tôn trọng trẻ, yêu trẻ để đồng hành cùng trẻ em trong môi trường học đường.

Chuẩn bị triển khai chương trình GDPT mới tới đây, Bộ GDĐT đã có dự thảo về đổi mới đánh giá HS tiểu học, theo hướng đề cao năng lực và phẩm chất của HS. Cùng với đó, việc tập huấn GV lớp 1 đáp ứng yêu cầu chương trình mới cũng sẽ được hoàn tất trước ngày 30/7. Dẫu thế, những yêu cầu về đổi mới GV vẫn tập trung vào việc tiếp cận SGK và chương trình mới ra sao, chứ chưa đề cập nhiều đến việc tập huấn kỹ năng quyền trẻ em cho GV tiểu học nói riêng và ngành giáo dục nói chung. Vì lẽ đó theo ông Đặng Hoa Nam- Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB-XH) cần phải cập nhật kiến thức kỹ năng thực hành quyền trẻ em vào trong nhà trường cho GV.

Bạo lực học đường nhìn từ phía GV, bao gồm cả bạo lực về thể xác và tinh thần. Thời gian qua, GV bạo hành HS là thực trạng đáng báo động của ngành giáo dục. Đại đa số quan điểm cho rằng đã làm nghề dạy trẻ thì yêu cầu đầu tiên là phải yêu thương con trẻ. Do đó, mong muốn lớn nhất từ các bậc phụ huynh là các thầy cô giáo cũng cần có ý thức “thay đổi bản thân” trong mọi tình huống giáo dục. Quan trọng hơn, GV cần nhẫn nại và cần có cái tâm chân thành với nghề.

Vi Cầm