Kích cầu tam nông để vững trụ đỡ
Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm tán thành với việc ban hành Nghị quyết nhằm giảm bớt khó khăn cho người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa.
Ngày mùa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Quốc Trung.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho thấy tổng số thuế miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm. “Chính sách miễn, giảm thuế trên là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ; góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.
Thẩm tra nội dung trên, bày tỏ quan điểm nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Đức Hải- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: Việc thực hiện chính sách nói trên nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa. Bên cạnh đó, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.
ĐB Bùi Xuân Thống (đoàn Đồng Nai) cho rằng: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, nhất là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nông nghiệp vẫn phát huy vị thế của mình. Do đó, việc ban hành Nghị quyết là thể chế hóa nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, tình trạng được mùa mất giá vẫn diễn ra, trong khi các chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được người nông dân quan tâm.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều 25/5. Ảnh: Quang Vinh.
Theo phân tích của ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp): Trong bối cảnh hạn hán xâm nhập mặn, thiên tai, biến đổi khí hậu bất thường gây thiệt hại cho người dân như tại Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay gia đình khó tiếp cận chính sách hỗ trợ chính sách của Nhà nước, do đó người dân cần được miễn, hoãn thuế sử dụng đất trong giai đoạn tiếp theo để nâng cao đời sống cho người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế trang trại, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, việc giảm thuế cũng tạo tiêu cực cho một bộ phận nông dân, có tình trạng đất bỏ hoang hóa, rồi tình trạng thu mua đất nông nghiệp “nằm chờ” giá lên để nhận đền bù.
Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: Việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trên thực tế còn một số tác động thiếu tích cực khi không tạo động lực thúc đẩy đối với nhiều đối tượng là tổ chức, cá nhân trong việc canh tác, sản xuất trên diện tích đất được giao, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai. Có tình trạng đất nông nghiệp được giao không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả và có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai các các dự án đầu tư đối với đền bù theo thỏa thuận. Do đó cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Nghị quyết để chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thực sự có tác động đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.
Đề cập đến việc đất nông nghiệp không được sử dụng hiệu quả gây lãng phí nguồn lực quốc gia, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, để chính sách đạt mục tiêu đặt ra, Chính phủ cần miễn giảm đối với đất đang sản xuất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Còn đất không sản xuất giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì phải nộp thuế 100% tiền sử dụng đất.
Lẽ ra phải được làm sớm hơn
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025 đáng lẽ phải được làm từ lâu.
“Theo thông tin tôi theo dõi thì việc miễn thuế đất nông nghiệp sẽ giúp nông dân cả nước không phải đóng khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Riêng ở ĐBSCL là vựa lúa gạo nông sản lớn nhất cả nước, việc miễn giảm này sẽ khiến cho bà con nông dân rất vui mừng. Có lẽ Nhà nước thấy được đã đến lúc có hình thức hỗ trợ, khuyến khích nông nghiệp phát triển và việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là một hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, đồng thời cũng là cách để Nhà nước đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, giúp người nông dân đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó cải thiện cuộc sống, giảm bớt khó khăn”, GS Võ Tòng Xuân nói và cho rằng Nhà nước cũng phải tính toán loại thuế nào mà miễn giảm kích thích được sự phát triển thì cứ mạnh dạn để giảm hoặc miễn, còn đối với các mặt hàng, ngành mà ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân mà lại đang sử dụng nhiều thì tăng thuế như rượu, bia hay thuốc lá.
Cụ thể như Singapore người dân uống 1 lon bia phải trả mấy USD nên người ta uống ít, đâu như mình 1 thùng bia có bao nhiêu tiền đâu nên có người uống cả thùng còn chưa thấy đã…
Quốc Trung