Lo cho đầu vào đại học

Dung Hòa 26/05/2020 08:00

Một trong những điểm mới được quy định tại Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020 là việc giao địa phương tổ chức kỳ thi này. Địa phương chịu trách nhiệm quản lý đề thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, công bố kết quả…Điều này cũng đồng nghĩa với việc các cơ sở ĐH,CĐ năm nay hoàn toàn “đứng ngoài”, không tham gia coi thi, chấm thi.

Nhiều băn khoăn cũng đang được đặt ra, làm sao để kỳ thi đảm bảo tính công bằng? Làm sao để đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường ĐH, bởi nhiều trường cho biết mùa tuyển sinh này họ vẫn sử dụng kết quả thi THPT làm căn cứ xét tuyển.

Ý kiến từ các chuyên gia giáo dục cho thấy họ đều lo lắng với Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020 của Bộ GDĐT. Theo phân tích, bài học từ gian lận thi cử tại các điểm nóng như Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình vẫn còn đó...vậy thì việc giao cho các địa phương tổ chức một kỳ thi quan trọng như thế, mà không có vai trò của các trường ĐH thì lấy gì đảm bảo sự cho sự khách quan, trung thực… Liệu có chuyện nới lỏng coi thi hay không? Làm sao để kỳ thi đạt được sự tin cậy và có độ phân hóa cao để các trường sử dụng xét tuyển?

Trong một cuộc làm việc mới đây với Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng cũng bày tỏ mong muốn Bộ phải có giải pháp để đảm bảo khách quan, công bằng cho kỳ thi, khi vẫn sử dụng kết quả thi để tuyển sinh vào các trường ĐH và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội bày tỏ lo lắng khi đưa ra giả thuyết nếu ở Hà Nội học sinh tham gia kỳ thi nghiêm túc nhưng ở một địa phương khác lại coi thi, chấm thi lỏng lẻo thì một bộ phận thí sinh sẽ bị thiệt thòi…

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie - Hà Nội cũng băn khoăn về nỗi lo mang tên “địa phương”. Theo phân tích của ông, những ngày qua, các vụ án gian lận thi cử năm 2018 ở các địa phương đang được đưa ra xét xử. Qua cáo trạng và các lời khai của những người vốn “cầm cân nảy mực” trong kỳ thi này ở một số địa phương đã khiến dư luận một lần nữa bất bình, sự lũng đoạn của cán bộ giáo dục địa phương đã làm khủng hoảng niềm tin của xã hội, dư âm đến bây giờ (sau 2 năm) vẫn còn nóng. Những bản án nghiêm khắc đã được tuyên. Bài học kinh nghiệm phải trả cái giá quá đắt trong khi các kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường ĐH với địa phương (với tỉ trọng 50 - 50) cả 3 khâu in sao đề thi, coi thi và chấm thi. Còn theo Dự thảo Quy chế, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ không có sự tham gia của các trường ĐH, giao toàn bộ cho địa phương. Có thể yên tâm được không?

Dung Hòa