Tăng số lượng đại biểu chuyên trách để QH hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn
Sáng nay (26/5), các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Trong đó, nội dung về tăng số lượng đại biểu cũng như làm rõ địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội chuyên trách được đặc biệt quan tâm.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) phát biểu tại Quốc hội.
Tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách
Tại phiên thảo luận này, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách để bảo đảm tính chuyên nghiệp, góp phần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) bày tỏ đồng tình với tiếp thu, giải trình của Ban Soạn thảo là số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40%. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).
Riêng đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách lên 50%. “Qua nghiên cứu, tổ chức hoạt động của nghị viện các nước cho thấy, đa số nghị viện các nước hoạt động chuyên nghiệp, tất cả các nghị sĩ đều hoạt động chuyên trách và tỉ lệ này sẽ góp phần giúp cho hoạt động Quốc hội chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn”, đại biểu Bình lấy ví dụ cụ thể.
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho ý kiến về tỉ lệ thành phần chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý đủ các điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, có trí tuệ, uy tín và bản lĩnh để có thể tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội. Nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình đội ngũ này cần phải tham gia với tỉ lệ từ 3-5%.
Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) lại cho rằng, đại biểu Quốc hội là chính trị gia và phải nắm chắc được nguyên lý vận hành của các thiết chế quyền lực nhà nước, các nguyên lý vận hành của các thể chế kinh tế, chính trị, xã hội để khởi xướng chính sách và thuyết phục chính sách.
“Nếu đại biểu Quốc hội là chuyên gia am hiểu sâu vào từng lĩnh vực cụ thể thì không đúng nguyên lý tổ chức, vận hành của thiết chế quyền lực cao nhất đó là Quốc hội”, đại biểu Lê Thanh Vân nói. Nói về tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội, theo đại biểu Vân thì không nên nhấn mạnh đến số lượng bởi cho dù 100% đại biểu Quốc hội là chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì hoạt động của Quốc hội cũng sẽ không bảo đảm được thực chất, thực quyền.
Cần làm rõ địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội chuyên trách
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, cần làm rõ địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Từ khóa XI đến nay, thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội 2011-2014, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày càng tăng, từ 25% lên 35%, bao gồm đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương.
Theo đại biểu Bình, chính đại biểu Quốc hội chuyên trách đã làm thay đổi đáng kể diện mạo về mặt tổ chức cũng như làm tăng hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, khung pháp lý hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách chưa đầy đủ, đại biểu chuyên trách vẫn cùng chung nhiệm vụ, quyền hạn, địa vị pháp lý như đại biểu Quốc hội nói chung ngoài thời gian thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
Cũng theo đại biểu Thạch Phước Bình, hiện nay, đại biểu Quốc hội chuyên trách hầu như “tự bơi, tự nỗ lực” trong hoạt động do thiếu chuyên gia, thiếu đội ngũ giúp việc. Bộ máy giúp việc của Văn phòng chưa đủ đáp ứng nhu cầu phục vụ cho hoạt động chung của đoàn và của đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Chính vì vậy, đại biểu này đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung, xác định rõ vị trí pháp lý của đại biểu Quốc hội chuyên trách nhằm tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả trong hoạt động Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội.
Bày tỏ băn khoăn về vị trí pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, tổ chức này hiện nay đang là một tổ chức “lơ lửng” vì không phải là cơ cấu của địa phương, cũng không phải là một cơ cấu của Quốc hội.
“Chúng ta nói đoàn đại biểu Quốc hội là một tổ chức nhưng không quy định nguyên tắc hoạt động của tổ chức này là gì. Trưởng đoàn, phó đoàn do đại biểu Quốc hội trong đoàn bầu ra nhưng lại cũng không quy định trưởng đoàn, phó đoàn hoạt động theo nguyên tắc nào, theo chế độ đại diện hay là thủ trưởng. Đề nghị phải được định hình làm rõ, đoàn đại biểu Quốc hội trực thuộc ai?”, đại biểu Bùi Văn Phương nêu quan điểm
Theo đại biểu Bùi Văn Phương, nếu đoàn đại biểu Quốc hội là một cơ cấu của địa phương thì về mặt khoa học tổ chức nghe ra không hợp lý bởi địa phương không giao nhiệm vụ gì cho đoàn đại biểu Quốc hội và cũng không kiểm soát gì hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội.
“Toàn bộ nhiệm vụ hiện nay của đoàn đại biểu Quốc hội đều do Quốc hội và Thường vụ Quốc hội giao như: Tiếp xúc cử tri, tiếp dân, đơn thư, báo cáo các hoạt động giám sát. Vì vậy, tôi cho rằng, đoàn đại biểu Quốc hội nên là một cơ cấu của Quốc hội”, đại biểu Bùi Văn Phương nêu quan điểm.