'Vá' lỗ hổng pháp lý để công chức không còn tùy tiện
Sự việc bắt đầu khi báo chí Nhật Bản đưa tin, Hãng sản xuất nhựa Tenma, trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản đã “tự thú” với Tòa án Tokyo rằng một công ty con của hãng tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh, Việt Nam - Công ty TNHH Tenma Việt Nam đã hối lộ cán bộ nhà nước của Việt Nam với ước tính tổng số tiền lên đến 25 triệu yên (tương đương khoảng 5,4 tỷ đồng).
Số tiền này được công ty khai báo rằng đã 2 lần đưa cho “cán bộ địa phương Việt Nam” nhằm làm giảm số tiền bị truy thu thuế.
Phương thức “win-win”, 2 bên cùng có lợi không xảy ra lần đầu trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Một số doanh nghiệp nước ngoài chịu mất tiền hối lộ để được giảm thuế, phí, được ưu tiên. Gần đây nhất, cuối tháng 3/2014, Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) cho biết, từ năm 2008 đến năm 2012, Công ty này đã chi khoảng 100 triệu yên cho các đối tượng có liên quan ở nước thứ ba trong đó có Việt Nam để được tham gia thực hiện dự án ODA của Nhật Bản. Tháng 10/2015, Tòa án đã tuyên phạt 6 bị cáo Ban Quản lý các Dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam từ 5 năm 6 tháng tù đến 12 năm tù. Ngoài ra, các bị cáo phải có trách nhiệm bồi hoàn số tiền 11 tỷ đồng đã nhận hối lộ. Phía Nhật Bản cũng xử lý hình sự các quan chức JTC đưa hối lộ.
Vụ án JTC được xử lý khá nghiêm minh theo pháp luật Việt Nam nhưng cũng là tổn thất không nhỏ đối với uy tín của Việt Nam trong quan hệ hợp tác với Nhật Bản. Vào năm 2015, đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) từng nhấn mạnh, nếu còn xảy ra một vụ hối lộ tương tự, người dân Nhật Bản chắc chắn sẽ lên tiếng và yêu cầu Nhật Bản dừng cấp ODA cho Việt Nam.
Nghi án Công ty Tenma Việt Nam đưa hối lộ không nằm trong lĩnh vực ODA nhưng là một hành vi sai phạm của một doanh nghiệp Nhật Bản, vi phạm Luật Phòng chống cạnh tranh không lành mạnh như vụ JTC. Cũng giống như vụ JTC, khi nhận tin từ báo nước ngoài, các cơ quan chức năng Việt Nam đã vào cuộc nhanh chóng. Dựa trên thông tin từ Đoàn thanh tra, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có báo cáo sơ bộ gửi Thủ tướng về vụ việc này vào chiều qua, 26/5. Đồng thời với cơ quan thanh tra tài chính, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Bắc Ninh) cũng làm việc với Cục Hải quan, Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh để thu thập thông tin về kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan, những ưu đãi về thuế mà Công ty Tenma Việt Nam đang thụ hưởng.
Cho đến thời điểm này, đại diện ngành hải quan, thuế tỉnh Bắc Ninh đều phủ nhận thông tin nhận tiền. Việc có hay không hành vi nhận tiền đang được cơ quan chức năng làm rõ. Việc điều tra, xử lý nghiêm hành vi nhận tiền của doanh nghiệp nước ngoài không chỉ để thực thi nghiêm minh pháp luật Việt Nam mà còn góp phần lành mạnh hóa môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo sự tin cậy của các doanh nghiệp cả trong lẫn ngoài nước.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc điều tra, xử lý vụ việc cụ thể, cần bịt chặt các lỗ hổng pháp lý về thuế, tiền sử dụng đất… để việc thu ngân sách trong các lĩnh vực này thực hiện nghiêm túc: Đúng đối tượng và đủ số lượng. Nếu còn tồn tại những quy định mập mờ mà sự giải thích phụ thuộc vào ý chí chủ quan một cá nhân công chức thì hẳn sẽ còn nhiều vụ việc như JTC, Tenma Việt Nam.