Nhiều băn khoăn khi tạm ngưng đóng bảo hiểm xã hội
Khi doanh nghiệp cắt giảm 50% lao động, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường. Ngoài ra, việc doanh nghiệp chứng minh thiệt hại 50% vô cùng phức tạp vì chưa có một tiêu chí hay thước đo cụ thể. Hơn nữa dấu hiệu thiệt hại chưa thể tính sớm được do hàng tồn kho, hợp đồng, doanh thu, tạm ngưng ... đều là dấu hiệu suy giảm trong tương lai.
Đó là những thắc mắc về chính sách tạm ngưng đóng bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp đang băn khoăn muốn được tháo gỡ.
“Tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là một trong những biện pháp hỗ trợ kịp thời để những doanh nghiệp ảnh hưởng do dịch Covid – 19 vượt qua khó khăn, tiếp tục hoạt động”, ông Nguyễn Quốc Thanh - Phó Giám đốc BHXH TP HCM nhấn mạnh. Ông Thanh cho biết thêm, 180 doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên địa bàn là những doanh nghiệp bị giảm từ 50% lao động trở lên. Theo đó, có 13.735 người lao động tại 180 doanh nghiệp này phải tạm ngừng việc được ngừng đóng đóng BHXH với tổng số tiền gần 60 tỷ đồng.
Chia sẻ tâm tư về chính sách tạm ngừng đóng bảo hiểm, số doanh nghiệp sử dụng ít lao động thì mừng vì tiết kiệm một khoản chi vào quỹ hưu trí tử tuất từ tháng 3 đến hết tháng 6/2020 (4 tháng) để hồi phục hoạt động doanh nghiệp. Còn lại, rất nhiều doanh nghiệp băn khoăn với chính sách hỗ trợ trên. Căn cứ theo công văn 860 của BHXH Việt Nam quy định việc cho phép doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất nếu 50% số lao động thuộc diện đóng BHXH của doanh nghiệp phải nghỉ việc, hoặc doanh nghiệp thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh. Cộng đồng doanh nghiệp quan ngại, chính sách trên có thể khuyến khích doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương để đạt chỉ tiêu này. Nếu như vậy, cần xem lại chính sách hỗ trợ xem có phù hợp với tình hình thực tế hay không?
Thắc mắc về chính sách hỗ trợ này, hầu hết các doanh nghiệp phản hồi, không được thực hiện. Bởi vì, với quy định này các doanh nghiệp dệt may, da giày, vận tải hàng hóa đường bộ, logistics,...chỉ cần cắt giảm 20% lao động đã là hàng chục ngàn. Thậm chí, chỉ cắt giảm 20% nhưng có đến hàng trăm ngàn người mất việc và doanh nghiệp đó cũng có nguy cơ gần như “chết lâm sàng”. Khi doanh nghiệp cắt giảm 50% lao động, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường.
Thống kê của BHXH TP HCM, đến cuối năm 2019, thành phố có khoảng 2,5 triệu lao động. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lao động trên địa bàn giảm hơn 200.000 người, trong đó có gần 90.000 trường hợp phải nghỉ việc không lương.