Kể chuyện thiếu nhi qua những ván cờ
Chào mừng ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, NXB Kim Đồng vừa cho ra mắt độc giả tác phẩm “Nước cờ hòa” (nhóm tác giả Nguyễn Huy Du - Nguyễn Hữu Huấn) gồm 13 câu chuyện dành cho thiếu nhi. PV báo Đại Đoàn kết có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Du, đại diện nhóm tác giả về tác phẩm đặc biệt này.
Tác giả Nguyễn Huy Du.
PV:“Nước cờ hòa” là tập sách gồm các câu chuyện nhỏ cho thiếu nhi. Tác giả gửi gắm thông điệp gì xoay quanh câu chuyện về những ván cờ?
Tác giả Nguyễn Huy Du: Cuộc sống thường nhật trong độ tuổi thơ, giữ được sự yên ổn sau một cuộc tranh giành mới khó, giữ được hàng lối, trật tự trong hoạt động một đội nhóm mới khó. Vậy, con trẻ cần giáo dục và dẫn hướng như thế nào? Có thể là sự làm gương của người lớn trong gia đình, có thể là việc thiết quân luật của mỗi thầy cô trong lớp học tại nhà tường, tuy nhiên không phải mỗi người lớn, mỗi thầy cô đều làm được tốt những điều này trong mọi hoàn cảnh.
Và cuốn sách là một trong những giải pháp có thể bổ trợ để những điều cần nhắn gửi đó đến với con trẻ theo một cách nhẹ nhàng mà đầy tinh tế. Con trẻ sẽ đọc và tự cảm nhận, tự bắt chước và đặc biệt hơn sẽ tập thực hành trong mỗi hoàn cảnh mà các con được gặp với tình huống tương tự mà cuốn sách ngụ ý ươm gieo.
Trong lịch sử Việt Nam, một thời, trẻ em rất nhỏ đã gắn bó với cờ, những sinh hoạt văn hóa cũng có ván cờ... và giá trị ấy dần mai một. Một hay một vài cuốn sách liệu có đủ để nhen nhóm lại giá trị đó không?
- Nhìn xa hơn ở những quốc gia phát triển trên quốc tế, nơi mà cả người lớn lẫn trẻ em đều ao ước được làm việc, học tập hay đặt chân du lịch đến đó thì bộ môn cờ vua đều rất được khuyến khích con trẻ tiếp cận và vào cuộc. Không phải ca ngợi nhưng cần phải công nhận: Cờ vua là một trong những trò chơi trí tuệ phổ biến nhất thế giới; nó được nói đến không chỉ như là một trò chơi mà còn là nghệ thuật, khoa học và thể thao. Cờ vua đôi khi được nhìn nhận như là trò chơi chiến tranh trừu tượng; cũng như là “các cuộc đấu trí tuệ”, và việc chơi cờ vua được coi như là một cách để rèn luyện tư duy và bản lĩnh. Đồng ý, một vài cuốn sách sẽ chưa đủ để thay đổi điều gì lớn lao, nhưng cũng sẽ nhen nhóm những giá trị lớn lao đó. “Nước cờ hòa” không phải ngoại lệ nhưng cũng có thể may mắn trở thành cuốn sách truyền cảm hứng cho những điều ngoại lệ.
Trong tác phẩm “Nước cờ hòa” có nhiều tầng nghĩa và thông điệp chắc chắn không chỉ dành cho các bạn nhỏ mà đó là một thông điệp gửi vào xã hội đương đại, gửi vào tương lai về câu chuyện giáo dục trí tuệ, bản lĩnh, tâm hồn thế hệ trẻ?
- Không dám nói xa xôi, nhưng đúng là 13 câu chuyện ngắn trong cuốn sách “Nước cờ hòa” đều là những thông điệp có ẩn ý để gửi gắm vào xã hội đương đại. Với mỗi cách thức tiếp cận, mỗi góc nhìn ở mỗi cấp độ và trình độ khác nhau sẽ phát hiện thấy những giá trị hay bài học mà tự người đọc có thể rút ra cho riêng mình dù ở độ tuổi nào, công việc nào và vị trí nào trong xã hội.
Cuốn sách đúng là hướng sâu đến những giá trị lõi thông qua phương pháp truyền tải, phương thức đặt vấn đề và điều cần gửi gắm xung quanh sự kết nối, tình yêu thương, tính trách nhiệm và lòng dũng cảm.
Được biết, tác phẩm in với số lượng lớn, được tái bản trong thời gian ngắn... Vậy trẻ em ở những vùng miền xa xôi như biên giới, hải đảo có cơ hội tiếp cận tác phẩm này không?
- Đây là điều mong ước lớn nhất của các tác giả và đội nhóm thực hiện dự án sách “Nước cờ hòa”. Các trẻ em ở những vùng miền xa xôi như biên giới, hải đảo đang không chỉ gặp khó khăn về đời sống vật chất mà còn thiếu cả những món ăn tinh thần, những trò chơi trí tuệ. Các em cần được quan tâm, chúng tôi mong muốn có cơ hội đồng hành cùng những điều đó bằng việc cống hiến trí tuệ, sức lao động và cả vật chất tiền bạc. Dự án sách “Nước cờ hòa” đã cam kết trong nội bộ dành 51% lợi nhuận thu về để đồng hành và kiến thiết chương trình “Đưa chữ lên non trong thời 4.0”.
Riêng về việc tiếp cận với cuốn sách “Nước cờ hòa”, chúng tôi sẽ giành những ưu tiên đặc biệt đôi khi đến bất ngờ để cùng xây dựng những tủ sách thiện nguyện để mang tới các con trẻ ở vùng sâu, vùng xa, biên cương hải đảo. Tuy nhiên, các tác giả cần nhất vẫn là sự ủng hộ và đồng hành của những người yêu sách, những người tâm huyết với trẻ em nghèo khó, những tổ chức thiện nguyện cùng tuyên truyền và nâng cao nhận thức về văn hóa đọc sách, văn hóa chia sẻ sách.
Trân trọng cảm ơn ông!