Đối tượng ảnh hưởng sâu nhất lại chưa được hỗ trợ

Hạnh Nguyên (thực hiện) 27/05/2020 08:00

“Quá trình giám sát việc thực hiện gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho thấy, đối tượng bị ảnh hưởng sâu nhất, cần hỗ trợ sớm nhất là lao động tự do. Thế nhưng cho đến nay, các đối tượng này chưa được nhận hỗ trợ. Đây là điều mà những người làm công tác Mặt trận chúng tôi băn khoăn nhất”- ông Hoàng Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ với PV báo Đại Đoàn kết.

Đối tượng ảnh hưởng sâu nhất lại chưa được hỗ trợ

Ông Hoàng Anh Đức (thứ hai từ trái sang) dẫn đầu Đoàn giám sát tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

PV:Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng là chính sách chưa có tiền lệ, diện đối tượng hỗ trợ rộng, thời gian lại gấp gáp, cho nên cơ sở vừa làm vừa phải tháo gỡ vướng mắc. Được biết, MTTQ Hà Tĩnh đã vào cuộc giám sát, sau khi “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, Đoàn giám sát đã phát hiện những tồn tại, hạn chế gì, thưa ông?

Ông Hoàng Anh Đức: Do đây là chính sách mới, chưa có tiền lệ nên khi triển khai thực hiện, cơ sở còn nhiều lúng túng. Đặc biệt, công tác tuyên truyền NQ 42, QĐ 15, các văn bản của Ban Chỉ đạo tỉnh, Kế hoạch số 153 của UBND tỉnh tại một số địa phương còn hạn chế nên một số người dân chưa nắm bắt được chính sách và chưa xác định được mình thuộc đối tượng nào nhất là các đối tượng lao động tự do và hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu/năm.

Trong quá trình rà soát, thậm chí một số địa phương lập danh sách vẫn còn trùng đối tượng. Việc rà soát, chi trả các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu đang do UBND, ngành chuyên môn, tổ thẩm định cấp xã thực hiện, vai trò trong việc tham gia rà soát của liên đoàn cán bộ một số thôn, xóm chưa rõ.

Trong công tác chi trả, một số địa phương thực hiện chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng nhận thay, ký thay nhưng không có giấy ủy quyền, không có cơ sở chứng minh mối quan hệ giữa người nhận thay với đối tượng được hưởng; giữa danh sách nhận tiền và giấy nhận tiền không trùng khớp...

Như vậy, vẫn còn những “nút thắt”, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?

- Về chính sách hỗ trợ hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được quy định tại Điều 1, QĐ15 của Thủ tướng Chính phủ có những khó khăn, bất cập. Cụ thể, về mốc thời gian để xem xét: Người lao động được xem xét, giải quyết các chính sách hỗ trợ khi thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/4/2020 đến ngày 1/6/2020. Như vậy, đối với những người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trước ngày 1/4/2020 sẽ không thuộc đối tượng áp dụng chính sách hỗ trợ theo QĐ15 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp người lao động đã tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ cuối tháng 2 và tháng 3/2020, nhất là đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, xuất khẩu lao động phải dừng các hoạt động theo chủ trương của bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Về đối tượng áp dụng, theo quy định tại Điều 1 của QĐ 15/2020/QĐ-TTg, chỉ xem xét và giải quyết chính sách đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp. Như vậy, đối với người lao động có đóng bảo hiểm xã hội và làm việc theo hợp đồng lao động tại các đơn vị, tổ chức không thuộc loại hình hoạt động của doanh nghiệp sẽ không được xem xét, giải quyết chính sách theo QĐ 15 cho dù người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19...

Đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động, theo QĐ15 chỉ quy định hỗ trợ người lao động làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp thuộc 1 trong 6 nhóm, ngành nghề như: Bán hàng rong, buôn, bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm ổn định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô; người bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều nhóm lao động khác làm nghề tự do bị giảm sâu về thu nhập, nhưng chưa được xem xét giải quyết chính sách hỗ trợ, điều này dễ phát sinh thắc mắc, khiếu nại trong nhân dân...

Vậy theo ông, các cấp, các ngành cần làm gì để tháo gỡ những “nút thắt” nói trên?

-Vấn đề cần kíp nhất lúc này là Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cần có hướng dẫn chi tiết một số nội dung của NQ số 42 và QĐ số 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với 4 nhóm đối tượng còn lại nhất là các đối tượng lao động tự do mất việc làm và đối tượng hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu/năm.

Ngoài ra, một số đối tượng lao động tự do ở cơ sở làm đẹp, câu lạc bộ thể dục, thẩm mỹ, yoga…chưa thấy đề cập trong NQ42, QĐ15 của Thủ tướng Chính phủ nhưng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Việc này, Bộ LĐTBXH nên xem xét và bổ cứu sớm để đảm bảo công bằng cho người lao động.

Qua nắm tình hình, dư luận nhân dân còn băn khoăn về việc một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi (người có công có điều kiện kinh tế khá giả) không bị ảnh hưởng lớn do đại dịch Covid-19 nhưng vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ, trong khi đó một số nhóm đối tượng người lao động bị ảnh hưởng nhưng lại không được hưởng.

Ngoài ra, đối với UBND tỉnh và Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh, Đoàn giám sát tham mưu và kiến nghị một số vấn đề, bổ cứu đối với 3 nhóm đối tượng đã chi trả cũng như 4 nhóm đối tượng chưa chi trả.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hạnh Nguyên (thực hiện)