Sôi động mùa vải thiều

Hải Nhi 27/05/2020 06:42

Chiều ngày 25/5, tại huyện Thanh Hà, Hải Dương, hơn 6.000 tấn vải thiều đầu tiên đã được xuất khẩu đi Mỹ, Australia và Singapore bằng đường biển. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh Hải Dương cần phát huy, sớm triển khai kế hoạch để chủ động thị trường, thực hiện tốt các quy trình, quy định xuất khẩu để quả vải nói riêng, nông sản nói chung vươn xa ra thế giới.

Sôi động mùa vải thiều

Năm nay vải thiều được mùa được giá.

Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương và huyện Thanh Hà vừa tổ chức chương trình thu hái vải thiều xuất khẩu và cắt băng xuất khẩu lô vải đầu tiên đi Singapore, Mỹ, Australia trong năm 2020. Theo đó, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam đã xuất container vải thiều đầu tiên sang Singapore. Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ xuất những chuyến hàng vải thiều đầu tiên sang thị trường Australia và Mỹ.

Tới thời điểm này, hàng loạt các doanh nghiệp đã cam kết với tỉnh Hải Dương và người dân liên kết tiêu thụ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Công ty CP Ameii Việt Nam đã ký hợp đồng bao tiêu sản lượng khoảng 1.250 tấn vải tại các vùng trồng vải theo tiêu chuẩn quốc tế đang được tỉnh triển khai, quản lý để xuất khẩu đi Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Canada và bán trong nước tại siêu thị...Đặc biệt, Công ty CP Quốc tế Bamboo đăng ký bao tiêu tới 1.900 tấn vải tại các vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn quốc tế đang được tỉnh triển khai, quản lý để xuất khẩu đi các thị trường Nhật Bản, Úc, Hồng Kông, Malaysia, Brunei và Trung Quốc.

Tại huyện Thanh Hà, Công ty Chế biến nông lâm sản xuất khẩu Thanh Hà cũng đăng ký thu mua 620 tấn vải (vải tươi, vải cấp đông và long vải) để xuất khẩu đi Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc.

Toàn bộ diện tích sản xuất vải vùng tập trung của Hải Dương, người dân đều được đào tạo, tập huấn và thực hành sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt GAP (Viet Gap, GlobalGAP). Sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật, Mỹ, Úc, EU…Tổng diện tích vải của Hải Dương được chứng nhận VietGAP là trên 500ha, dự kiến sản lượng gần 4.000 tấn. 19 vùng sản xuất vải đã được cấp mã số vùng trồng vải xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU với diện tích 170ha, sản lượng ước khoảng 1.300 tấn.

Với thị trường xuất khẩu, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) thông tin, với các thị trường Trung Quốc, Australia, Mỹ… việc xuất khẩu vải thuận lợi nhờ đã có sự chuẩn bị và tiếp cận từ nhiều năm qua. Riêng năm nay trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã có nhiều giải pháp về mặt chính sách và thủ tục để thuận tiện cho việc xuất khẩu vải. Đến nay, Australia đã chấp thuận việc chiếu xạ tại Hà Nội. Cùng với đó, nhờ ứng dụng những cải tiến về công nghệ, việc bảo quản quả vải tươi có thể kéo dài đến 35 ngày, thuận lợi cho việc xuất khẩu bằng đường biển. Còn với thị trường Nhật Bản, đến nay chất lượng vải các vùng vải xuất khẩu (Bắc Giang, Hải Dương) đều đạt các yêu cầu khắt khe của nhà nhập khẩu và các điều kiện kỹ thuật cho việc xuất khẩu vải sang Nhật đều đã sẵn sàng. Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục đàm phán với phía Nhật Bản để tiến tới phía Nhật chuyển giao phần giám sát cho phía Việt Nam do chuyên gia Nhật chưa thể trực tiếp sang Việt Nam vì dịch Covid-19.

Qua thực tế kiểm tra vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu Singapore tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao công tác sản xuất cũng như xúc tiến thương mại sản phẩm vải thiều của tỉnh Hải Dương. Bộ trưởng đề nghị tỉnh Hải Dương, nhất là ngành NNPTNT cần sát sao hơn nữa các khâu về kỹ thuật. Sau vụ vải này, phải họp bàn, tổng kết lại các vấn đề về kỹ thuật để phát huy các ưu điểm, khắc phục các yếu điểu cho những năm tới. “Doanh nghiêp và người trồng vải cần tăng cường trao đổi thông tin, bám sát hướng dẫn sản xuất cũng như thông tin thị trường để làm sao có những vụ vải vừa được mùa, vừa được giá” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Liên quan tới việc xuất khẩu vải thiều, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh Hải Dương cần phát huy, sớm triển khai các kế hoạch chủ động thị trường. Trong đó, cần phối hợp tốt hơn nữa với các đơn vị của Bộ NNPTNT, thực hiện tốt các quy trình, quy định xuất khẩu để quả vải nói riêng, nông sản nói chung vươn xa ra thế giới.

Niên vụ vải 2020 tại Hải Dương vừa được mùa vừa được giá. Cụ thể, giá bán đầu vụ khoảng 50 - 60 nghìn đồng/kg, tương đương giá của năm 2019. Hiện nay, dù đang giữa vụ, giá bán vẫn đạt 32 - 38 nghìn đồng/kg, cao hơn năm 2019 và trung bình nhiều năm từ khoảng 5.000 - 10.000đồng/kg. Bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu, tỉnh Hải Dương đặc biệt chú trọng thị trường nội địa. Tỉnh đã chủ động liên kết với hệ thống các siêu thị như: BigC, Big Rreen, Bác Tôm, Intimex, Công ty Rau, củ quả an toàn Thanh Hà... ngay từ đầu vụ và thu mua 30 - 50 tấn vải/ngày thông qua các HTX và tổ sản xuất vải VietGAP bán tại các hệ thống siêu thị trong cả nước ngay từ đầu tháng 5.

Hải Nhi