Nâng tầm giáo dục di sản
Giáo dục di sản đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Tuy nhiên, việc giáo dục bằng những cách làm xưa cũ, khô khan đang khiến việc lan tỏa các giá trị di sản gặp nhiều hạn chế.
Một hoạt động giáo dục di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Quang Vinh.
Thay đổi cách tiếp cận
Tại các trường việc giáo dục di sản được giảng dạy chủ yếu dựa trên các bài học cụ thể, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hay tổ chức học sinh học trải nghiệm tại di sản. Thông qua hình thức này không thể phủ nhận năng lực của nhiều giáo viên đã được nâng cao, thể hiện ở khả năng thiết kế tiến trình dạy học và tổ chức hoạt động nhận thức của học sinh một cách phong phú và sinh động.
Các bài học được xây dựng phù hợp với việc sử dụng di sản trong dạy học, đảm bảo dựa theo chuẩn kiến thức kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông. Nhiều giáo viên đã chủ động sưu tầm tài liệu, tranh ảnh, băng đĩa về các di sản có liên quan đến bài học để phục vụ cho tổ chức các hoạt động của học sinh.
Ngoài ra, một số giáo viên còn xây dựng hệ thống tư liệu về di sản cho chủ đề dạy học nhằm hỗ trợ hoạt động tìm tòi, khám phá của học sinh… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì thực tế hiện nay với học sinh nói riêng và thế hệ trẻ nói chung việc tiếp các di sản còn khá hời hợt, chứ chưa nói đến việc tạo ra được niềm đam mê. Việc tham gia các buổi học trải nghiệm tại di sản với nhiều bạn trẻ chỉ đơn thuần là “một chuyến đi chơi”.
TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng: UNESCO khuyến nghị di sản văn hóa phải trở thành nơi cung cấp cơ hội học tập suốt đời cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, tập trung vào ba trụ cột chính: Kiến thức, kỹ năng và năng lực. Các chương trình giáo dục di sản văn hóa tạo ra kênh kết nối giá trị, ý nghĩa và nội dung của di sản văn hóa với công chúng, thu hút sự quan tâm của họ.
Tuy nhiên, để làm được hiệu quả, theo TS Lê Thị Minh Lý cho rằng, giáo dục di sản cần có không gian trải nghiệm chuyên biệt để hoạt động hiệu quả; đồng thời có chính sách thu hút đội ngũ cộng tác viên và đào tạo cán bộ chuyên sâu về giáo dục di sản trong quá trình triển khai. Ở đó, với các hoạt động giáo dục di sản theo phương pháp mới tại di tích chú trọng tăng cường hoạt động trải nghiệm, tương tác.
Nâng cao sự phối hợp
Có thể nói, việc giáo dục di sản hiện nay đang đòi hỏi sự phối hợp giữa nhà trường và các di tích. Việc biến các di sản vốn “khô cứng” trở nên thân thiện trong nhiều năm qua vẫn là bài toán “hóc búa” trong việc “chiều lòng” những người trẻ. Ở đó đòi hỏi sự thay đổi trong cách thức tiếp cận trong các chương trình giáo dục di sản đến từ các di tích, mà thực tế điều này mới chỉ được áp dụng ở một vài di sản lớn.
Đơn cử, các di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò... đã tạo dựng được thương hiệu, bằng những hành trình khám phá di sản. Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các chương trình giáo dục di sản được trung tâm đặt nhiều kỳ vọng là hoạt động tìm hiểu lịch sử khoa cử, khám phá họa tiết trên bia tiến sĩ... cùng trải nghiệm in tranh qua mộc bản, mặc trang phục của trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa... thời xưa. Sau thời gian các di tích tạm ngừng hoạt động để thực hiện giãn cách xã hội, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục di sản để phục vụ tốt hơn đối tượng khách tham quan trong nước, những người đã có những hiểu biết nhất định về di sản, cần có những hành trình trải nghiệm chuyên sâu hơn.
Hay di sản Nhà tù Hỏa Lò đã phối hợp với một số trường đại học trên địa bàn thành phố, khởi động chương trình giáo dục lịch sử Đảng thông qua hoạt động tìm hiểu tư liệu lịch sử về các hình thức đấu tranh của các đảng viên trung kiên trong nhà tù đế quốc... Còn Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đang ấp ủ chương trình giáo dục di sản mới mang tên “Trạng nguyên thành Thăng Long”, trong đó tập trung xây dựng các hoạt động trải nghiệm, tương tác để tìm hiểu kiến thức văn hóa, lịch sử qua kỳ thi Đình - kỳ thi cao nhất trong hệ thống khoa cử thời xưa, được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long.
Từ thực tế trên, để nâng tầm được giáo dục di sản đang hỏi chính những người làm giáo dục, quản lý các di tích cần phải nắm bắt được tâm lý, nhu cầu của người trẻ xem họ thích gì ? Cách tiếp cận ra sao? Từ đó tìm ra những giải pháp hiệu quả vừa phát huy được giá trị của di sản, vừa tạo ra không gian bổ ích cho người trẻ. Thậm chí những người quản lý di sản, làm giáo dục phải “trẻ lại” để có thể nắm bắt được nhu cầu của chính những bạn trẻ, thay vì những cách làm khô cứng trước đó.