Sửa đổi các quy định giám định y khoa đối với vụ việc trẻ bị xâm hại

H.Mai - H.Vũ (ghi) 28/05/2020 08:00

Chiều 27/5, phát biểu tại phiên giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam (ĐBQH đoàn Bắc Giang) cho rằng: Chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khá đầy đủ với 17 luật, 12 Nghị định và rất nhiều văn bản quy phạm phạm pháp luật có liên quan nhưng kết quả phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được như mong muốn.

Sửa đổi các quy định giám định y khoa đối với vụ việc trẻ bị xâm hại

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại phiên họp Quốc hội, ngày 27/5. Ảnh: Quang Vinh.

Nguyên nhân là do nhận thức chưa đầy đủ, tuyên truyền chưa được chú trọng, chưa rõ trách nhiệm trên địa bàn xảy ra vi phạm, chưa xử lý nghiêm vi phạm, cần bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, gia đình, nhà trường, các cơ sở giáo dục và các cá nhân có liên quan đối với trẻ em.

Chính vì vậy, ngoài phát huy tin báo qua tổng đài 111, cần quy định hệ thống cán bộ và mạng lưới cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, quy định về vai trò của những cán bộ này để bảo đảm quyền hạn pháp lý khi thực hiện việc can thiệp, hỗ trợ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em trong tình trạng khẩn cấp.

Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội bảo vệ quyền trẻ em lên tiếng, có ý kiến bằng văn bản gửi đến cơ quan thẩm quyền giải quyết. Các cơ quan có thẩm quyền phải coi đây là căn cứ quan trọng để thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải quyết, xử lý, giải trình và phản hồi.

Ông Ngô Sách Thực cũng cho rằng: Cần xây dựng quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, quy định cụ thể đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác và phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em; chưa có quy định về thẩm quyền, thủ tục tách trẻ em ra khỏi cha mẹ, người chăm sóc trong trường hợp chính cha mẹ, người chăm sóc có hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em; thiếu hệ thống theo dõi để đảm bảo những trẻ em này không tiếp tục bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, cần quy định cụ thể thủ tục giám định pháp y về xâm hại tình dục đối với trẻ em là loại đặc biệt, rút ngắn thời hạn cơ quan tiến hành tố tụng xem xét ra quyết định trưng cầu giám định. Hiện nay Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định thời hạn cơ quan tiến hành tố tụng xem xét ra quyết định trưng cầu giám định là 7 ngày, và thời hạn giám định là không quá 9 ngày.

“Vì với loại tội phạm này, thời gian giải quyết càng kéo dài thì cơ hội chứng minh chứng cứ càng khó khăn, đồng thời, dễ gây tổn thương các em.Nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm quốc tế về sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ giám định y khoa, sử dụng môi trường mạng để hỗ trợ nạn nhân từ xa và tăng bằng chứng trước tòa”- ông Ngô Sách Thực phân tích, đồng thời đề nghị sửa đổi Luật Giám định tư pháp năm 2012, các quy định liên quan đến giám định y khoa đối với các vụ việc xâm hại trẻ em, bạo lực trên cơ sở bổ sung vào Khoản 3 Điều 2 về quy định cho phép người bị hại/đại diện hợp pháp gia đình người bị hại được trực tiếp trưng cầu giám định tình dục ngay sau khi bị xâm hại mà không phải chờ sau khi cơ quan tiến hành tố tụng từ chối trưng cầu giám định mới được trực tiếp trưng cầu giám định như luật hiện hành.

Đặc biệt, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” để giải quyết những bất cập đã phát sinh trong thực tiễn đối với việc xử phạt các hành vi liên quan đến bạo lực gia đình, quấy rối tình dục theo hướng các hành vi bạo lực gia đình, quấy rối tình dục cần quy định riêng với mức xử phạt, hình thức xử phạt đủ tính răn đe, giáo dục, trừng trị đối với người vi phạm cũng như bảo vệ quyền lợi của người bị hại.

Để phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, cần bổ sung các chương trình hành động quốc gia giai đoạn vừa qua cho phù hợp trong giai đoạn mới. Tiếp tục phát huy toàn dân bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, trẻ em, toàn dân đưa trẻ đến trường, tăng cường cơ sở vật chất, nơi vui chơi cho trẻ em. Hoàn thiện các quy định để phát huy giám sát xã hội của MTTQ và các đoàn thể, tổ chức xã hội.

H.Mai - H.Vũ (ghi)