Hạn hán gay gắt: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Q.Thái 28/05/2020 08:00

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum chịu nhiều tác động tiêu cực, gây thiệt hại lớn đến ngành nông nghiệp. Để ứng phó với tình hình hạn hán và biến đổi khí hậu, tỉnh Kon Tum đã và đang nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Hạn hán gay gắt: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Trồng cây ăn trái - hướng đi mới của nông dân xã Rờ Kơi.

Những năm gần đây, khô hạn ngày càng khốc liệt làm ảnh hưởng nặng nề đến hàng ngàn diện tích lúa của tỉnh Kon Tum. Nhiều diện tích đất nông nghiệp trồng lúa đã phải bỏ đi do thiếu nước. Thế nhưng, từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, những diện tích đất khô hạn này đã được chuyển đổi hợp lý, từ đó mang lại thu nhập kinh tế ổn định cho nhiều hộ dân.

Hộ gia đình Trần Văn Định (thôn 6, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) là một điển hình. Nếu như trước đây, với 9 sào lúa nước của gia đình thường xuyên bị mất mùa do thiếu nước. Được sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình ông luân phiên chuyển đổi sang trồng các loại cây hoa màu như bí, dưa leo, ớt, đậu ve… Nhờ đó, mỗi năm gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ông Lê Trường Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum vui mừng cho biết, vụ Đông Xuân trên địa bàn xã có hơn 20 hộ chuyển đổi thay thế cây lúa bị thiếu nước mang lại hiệu quả rất cao. Xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trên toàn địa bàn, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số.

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Kon Tum, vụ Đông Xuân 2019 - 2020, tỉnh Kon Tum đã thực hiện chuyển đổi hơn 252 ha cây trồng các loại; trong đó, nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đoàn Năng Rường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cho biết, trước tình hình khô hạn ngày càng phức tạp, trong thời gian qua chi cục đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, có hiệu quả kinh tế cao.

Ví dụ như các mô hình chuyển đổi như sắn năng suất đạt 30 tấn/ha lợi nhuận là 30 triệu đồng/ha, ngô năng suất trên 40 tạ/ha lợi nhuận từ 20 – 25 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, các loại rau màu khác lợi nhuận cũng đạt khoảng 20 – 30 triệu đồng/ha.

Thời gian tới, chi cục tiếp tục hỗ trợ cho người dân về thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, quy hoạch lại quỹ đất bố trí lại sản xuất, đồng thời xem xét hỗ trợ cơ sở hạ tầng để cho bà con mạnh dạn chuyển đổi sang cây hàng hóa.

Song song với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, phù hợp, tỉnh Kon Tum đang tích cực hình thành xây dựng các cánh đồng mẫu lớn. Liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân để tiêu thụ sản phẩm, phát triển bền vững vùng nguyên liệu, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương thích ứng với khí hậu. Qua đó, giúp tiết kiệm được lượng nước tưới, góp phần thay đổi thói quen sản xuất của nông dân, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Q.Thái