Không để trẻ đơn độc
Vừa rồi, phát biểu tại phiên giám sát về phòng chống xâm hại trẻ em của Quốc hội, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng: Chính sách pháp luật về bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em khá đầy đủ với 17 luật, 12 Nghị định và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhưng kết quả phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được như mong muốn.
Trên thực tế thời gian qua, những vụ bạo hành trẻ em đang có chiều hướng gia tăng. Bạo hành trẻ xảy ra trong gia đình, ở nhà trường và bên ngoài xã hội. Trẻ em- những đối tượng yếu thế đã không được bảo vệ kịp thời. Đa phần những sự việc bạo hành trẻ được phát hiện cũng là nhờ sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, khi sự việc đã rồi. Trong khi lẽ ra những vụ việc ấy - dù xảy ra ở môi trường nào cũng phải được ngăn chặn càng sớm càng tốt.
Các loại hình thức xâm hại, bạo lực đối với trẻ em lâu nay rất đa dạng như: Xâm hại và bóc lột tình dục; bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần, bỏ rơi, bỏ mặc. Trẻ sống với cha dượng, với mẹ kế hoặc sống trong gia đình có bạo hành, vợ chồng ly hôn, thất nghiệp, lạm dụng bia, rượu và các chất kích thích, có nguy cơ bị bạo hành cao hơn những đứa trẻ khác. Bên cạnh đó, quan niệm văn hóa truyền thống “thương cho roi, cho vọt” từng là phương châm phổ biến trong nuôi dạy trẻ em của nhiều thế hệ ở Việt Nam. Rồi kể từ khi mạng xã hội trở nên phổ biến, việc người lớn vô tư đưa hình ảnh trẻ em lên mạng xã hội mà chưa được sự đồng ý của các em cũng cho thấy trẻ chưa thực sự được tôn trọng.
Điều đáng nói là không ít người lớn nhìn rõ nguy cơ trẻ bị xâm hại, biết rõ trẻ đang bị xâm hại… nhưng đã vô tình hoặc cố tình làm ngơ, không lên tiếng để ngăn chặn và bảo vệ trẻ kịp thời. Trẻ phải đơn độc đương đầu, thậm chí trong thời gian dài với những nỗi đau tinh thần và thể xác, sau này dù trẻ có được bảo vệ trong sự muộn màng thì nỗi ám ảnh quá khứ sẽ còn đeo bám mãi…
Ngay sau phiên thảo luận của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, ngày 28/5 nhiều tờ báo thông tin về một nữ học sinh lớp 11 tại Hà Tĩnh vừa bị một nhóm học sinh đánh hội đồng. Hiện em đang phải điều trị tại bệnh viện. Nhiều vụ việc rất thương tâm cũng đã liên tiếp được phản ánh thời gian qua, nhưng giải pháp nào để việc thực thi và thực hiện Quyền trẻ em, Luật Trẻ em, cũng như ngăn chặn và ứng phó bạo lực đối với trẻ em vẫn là một trăn trở lớn.
Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, thời gian qua việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, như: Một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nên còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm tính răn đe; việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng-chống xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức; quá trình giải quyết một số vụ xâm hại trẻ em chưa kịp thời, chưa nghiêm, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm…
Không phải cho đến phiên thảo luân trực tuyến của Quốc hội vừa rồi, mà lâu nay những ý kiến từ các chuyên gia cũng đã phân tích rõ để bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phải chú trọng công tác phòng ngừa là chính, như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện; kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi xâm hại trẻ em.
Cùng với đó, lâu nay một trong những khía cạnh quan trọng trong hoạt động của UNICEF nhằm tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em của Việt Nam chính là việc nâng cao năng lực/nhận thức cho cha mẹ trẻ và người chăm sóc để chấm dứt tình trạng kỷ luật bằng bạo lực. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cũng được hỗ trợ để khuyến khích và bảo vệ con em mình khỏi bị bạo hành từ đó giúp các em chuyển tiếp một cách an toàn sang bậc học mầm non và tiểu học.
Như thế, chừng nào mà người lớn còn thiếu tôn trọng trẻ, còn có quan niệm đó là những “chuyện trẻ con” thì bạo lực học đường giữa con trẻ với nhau vẫn là một câu chuyện dài. Hoặc chừng nào người lớn còn áp đặt quyền làm cha, mẹ, thày cô giáo mà uy hiếp trẻ, bạo hành, lạm dụng trẻ… thì nguy cơ trẻ sống thiếu an toàn vẫn còn đó, nỗi trăn trở vể nạn bạo hành con trẻ có lẽ còn chưa dừng lại.