Đề án tuyển sinh đại học: Tăng cường thanh kiểm tra
Một trong những quy định quan trọng của Quy chế tuyển sinh trình độ (ĐH, CĐ) ngành giáo dục mầm non năm 2020 là: Tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh các hình thức đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển và cập nhật điều chỉnh thông tin (nếu có) tại các thời điểm tuyển sinh.
Công khai đảm bảo chất lượng
Bộ GDĐT yêu cầu Đề án tuyển sinh của trường phải cung cấp đầy đủ, rõ ràng các thông tin tuyển sinh theo quy định, tránh việc để thí sinh nhầm lẫn giữa quy định xét tuyển thẳng theo quy định tại Điều 7 của Quy chế với phương án tuyển sinh riêng của trường; giữa tên các trường; tuyển sinh đối tượng trong và ngoài tỉnh; tuyển sinh vào phân hiệu của trường với trường; chương trình đào tạo chuẩn và các chương trình đào tạo khác của nhà trường.
Các nhà trường phải công bố công khai minh bạch điều kiện bảo đảm chất lượng trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các điều kiện sơ tuyển, điều kiện xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, ngưỡng bảo đảm chất lượng, chính sách ưu tiên của trường gắn với yêu cầu của ngành đào tạo, hướng tới mục đích lựa chọn thí sinh có học lực tốt, tâm huyết với ngành nghề để nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm khả năng có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.
Đề án tuyển sinh của trường phải xây dựng và công khai trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển. Các trường phải bảo đảm tuyệt đối chính xác, thống nhất của các thông tin tuyển sinh khai báo trong trang Nghiệp vụ với các thông tin trong Đề án (như mã trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển và chỉ tiêu xét tuyển, tiêu chí phụ,...
Việc để sai sót trong khâu này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của thí sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh của hệ thống. Trường chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án với Bộ GDĐT, cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan theo quy định và theo yêu cầu; chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều kiện tuyển sinh, các điều kiện bảo đảm chất lượng, tính đầy đủ, chính xác của các nội dung trong đề án.
Các trường tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên CĐ giáo dục mầm non; nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề phải công khai mức điểm nhận ĐKXT đối với các tổ hợp xét tuyển khác nhau sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT phù hợp với ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định và các điều kiện khác không trái với Quy chế tuyển sinh...
Quy trách nhiệm của người đứng đầu
Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH trên cả nước đã công bố công khai đề án tuyển sinh ĐH chính quy 2020 trên trang web của trường như ĐH Kiến trúc Hà Nội,
Tuy nhiên, một số trường cũng cho biết chưa có để án tuyển sinh chính thức. Thông tin từ Phòng tuyển sinh của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, phải đến đầu tuần sau đề án tuyển sinh chính thức của trường mới được đưa lên trang web để thí sinh và những người quan tâm tìm hiểu, theo dõi.
Cũng chưa chốt đề án tuyển sinh chính thức nhưng đã cập nhật đề án tuyển sinh dự kiến từ khá lâu trên trang web của trường, ĐH Nguyễn Tất Thành thậm chí, nhà trường đã công bố điểm trúng tuyển bằng hình thức xét học bạ đợt 1 năm 2020 với điểm trung bình học bạ từ 6 đến 8,3 (cao nhất là ngành Y khoa). Có thể thấy, với các ngành Sức khỏe, đây là ngưỡng đảm bảo đầu vào đã được Bộ GDĐT quy định tại Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2020. Với những trường hợp xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, cần chờ ngưỡng đảm bảo Bộ GDĐT công bố sau kỳ thi.
Nhìn lại năm 2019, Bộ GDĐT cũng đã yêu cầu các trường rà soát, cung cấp và công bố thông tin tuyển sinh ĐH hệ chính quy, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy năm 2019. Các trường chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án; đồng thời, gửi Đề án về Bộ GDĐT để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi mùa tuyển sinh đi qua, rất hiếm sai phạm được phát hiện từ công tác thanh, kiểm tra với những điểm vênh giữa đề án và thực tế tuyển sinh. Mặc dù Bộ GDĐT yêu cầu các trường công khai đề án tuyển sinh lên mạng nhưng việc trường tuyển bao nhiêu, tuyển như thế nào, tỷ lệ giữa các phương thức xét tuyển… trên thực tế có đúng như đề án tuyển sinh đã công bố hay không thì không mấy ai được biết. Thí sinh nói riêng và xã hội muốn giám sát cũng khó vì chỉ một vài trường cung cấp thông tin đầy đủ trên trang web còn đa số các trường, tuyển sinh được bao nhiêu %, cân đối giữa chỉ tiêu học bạ và chỉ tiêu thi đánh giá năng lực/thi tốt nghiệp THPT… bao nhiêu cũng là một câu hỏi khó.
Chính vì vậy, bên cạnh việc đưa ra quy định thì việc kiểm soát, thanh kiểm tra chặt chẽ để các trường thực hiện đúng quy định là việc Bộ GDĐT cũng như các đơn vị liên quan cần quan tâm. Trong đó, các chuyên gia đề xuất phải có chế tài xử phạt đối với những trường thiếu minh bạch thông tin hoặc thông tin cung cấp không đúng với thực tế diễn ra, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu mới mong đảm bảo một mùa tuyển sinh chất lượng, hiệu quả.