TP HCM sẽ thí điểm cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện
Ngày 29/5, Sở Thông tin Truyền thông (TTTT) TP HCM tổ chức Hội nghị triển khai đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố đến năm 2020.
Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TTTT TP HCM công bố quyết định triển khai đề án tại Hội nghị. Ảnh: Hồng Phúc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TTTT TP HCM, Giám đốc Trung tâm Báo chí TP cho biết, thành phố là một trong những địa phương triển khai quyết liệt quyết định (số 362/QĐ-TTg) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Cụ thể, ngày 22/5/2020 UBND TP HCM đã ban hành Quyết định (số 1786/QĐ-UBND) về phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố đến năm 2025.
Quá trình quy hoạch báo chí TP HCM gắn với hiệu quả của việc nâng cao toàn diện và trực tiếp của Đảng bộ thành phố đối với các hoạt động báo chí. Ngoài ra, theo ông Từ Lương thì việc sắp xếp hệ thống báo chí cũng gắn với quá trình đổi mới mô hình, tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển báo chí thành phố theo quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Theo Phó Giám đốc Sở TTTT TP HCM, khi thực hiện phương án sắp xếp và lộ trình thực hiện, thành phố có đánh giá kỹ lưỡng hiện trạng của báo chí TPHCM hiện nay. Do đó, ngoài báo Công an TP HCM thực hiện sắp xếp theo quy hoạch của Bộ Công an thì UBND TP HCM lên phương án sắp xếp còn 19 cơ quan báo chí (1 đài truyền hình, 1 đài phát thanh, 7 báo, 10 tạp chí). Như vậy, sau sắp xếp, thành phố giảm 8 cơ quan báo chí, trong đó chuyển thành 6 ấn phẩm phụ và 2 bản tin.
Tuy nhiên sau giai đoạn 1, quá trình sắp xếp sẽ vẫn tiếp tục triển khai cho đến khi đoàn thành đề án vào năm 2025. Mục tiêu của TP HCM là sẽ tập trung mọi nguồn lực từ ngân sách để thí điểm xây dựng một cơ quan báo chí TP HCM chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, đảm bảo yêu cầu thực hiện tuyền truyền nhiệm vụ chính trị, có vai trò định hướng thông tin, tạo đồng thuận trong xã hội. Đồng thời, sau sắp xếp thành phố định hướng tư tưởng văn hóa, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Tại hội nghị, ý kiến của các tổng biên tập, đại diện lãnh đạo các báo muốn thành phố cho thêm thời gian để sắp xếp và chuyển đổi mô hình hoạt động, nhất là công tác sắp xếp nhân sự hiện nay.
Đóng góp ý kiến với hội nghị, đại diện một số tạp chí cũng ủng hộ Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP HCM đến năm 2025, trong đó quan điểm không “xóa sổ” một cơ quan báo chí nào. Cụ thể, trước sắp xếp thì có 28 cơ quan báo chí thành phố đang hoạt động (16 báo in, 10 tạp chí, 1 đài truyền hình, 1 đài tiếng nói).
Đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí trung ương và TP HCM dự Hội nghị. Ảnh: Hồng Phúc.
Ngoài báo Công an TP HCM thực hiện sắp xếp theo đề án của Bộ Công an thì sau sắp xếp lại, UBND TP HCM chỉ thực hiện giảm 8 cơ quan báo chí. Tuy nhiên, các cơ quan này không bị giải thể mà chỉ là chuyển hình thức và chuyển cơ quan chủ quản, trong đó có 6 ấn phẩm phụ và 2 bản tin.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Cơ quan đại diện của Bộ Thông tin Truyền thông đánh giá, việc TP HCM không xóa bỏ một cơ quan báo chí nào, trên cơ sở sắp xếp, bố trí, quản lý hợp lý sau sắp xếp là một trong những điểm rất hay để các địa phương khác học hỏi kinh nghiệm.
Chỉ đạo tại hội nghị, ông Lê Văn Minh, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM nhìn nhận, quá trình quy hoạch báo chí của thành phố thời gian qua thu hút sự quan tâm rất lớn trong đội ngũ của những người làm báo nói riêng và là sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã tổ chức ba cuộc họp để góp ý cho đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP HCM đến năm 2025. Việc quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với đề án là rất cao và cũng đặc biệt chú ý công tác sắp xếp do đây là vấn đề chưa có tiền lệ, cố gắng không phải để “xóa sổ” một cơ quan báo chí nào sau sắp xếp.
Sau khi ban hành đề án, UBND TP HCM sẽ lập tổ công tác để làm việc với từng cơ quan báo chí ngay sau Hội nghị triển khai đề án này. Cũng theo ông Lê Văn Minh, trong thời gian tới đây các cơ quan chủ quản cần rà soát lại quy chế lãnh đạo để xây dựng nội dung sắp xếp cho phù hợp. Trong đó, cập nhật bổ sung quy chế quản lý để thực thi trách nhiệm cơ quan chủ quản theo mô hình mới sau sắp xếp.