'Thái tử' của 'đế chế' Samsung: Thừa kế hay ngồi tù?
Ông Lee Jae Yong, Phó Chủ tịch Samsung, bị các công tố viên liên tục triệu tập để phối hợp điều tra các cáo buộc liên quan đến quá trình thừa kế tập đoàn của gia tộc. Được mệnh danh là “thái tử Samsung”, ông Lee đang đứng trước ngã rẽ: Hoặc êm ả thừa kế hoặc vào tù.
Ông Lee Jae Yong.
Dọn đường thừa kế
Theo hãng tin lớn nhất Hàn Quốc -Yonhap, ngày 29/5, ông Lee tiếp tục bị triệu tập bởi các công tố viên. Đây là lần thứ hai trong tuần người thừa kế Tập đoàn Samsung bị triệu tập bởi trước đó 3 ngày (ngày 26/5), ông đã phải làm việc với cơ quan công tố khoảng 17 tiếng.
Nội dung thẩm vấn được tiết lộ với giới truyền thông cho biết ông Lee liên quan đến các nghi vấn xoay quanh quá trình sáp nhập hai công ty con chủ lực của Samsung vào năm 2015 là Samsung C&T và Cheil Industries. Bên cạnh đó là các cáo buộc gian lận kế toán mà bên công tố viên cho rằng có thể đã giúp ông nắm được quyền kiểm soát đế chế kinh doanh quan trọng nhất của gia đình.
Các công tố viên đã điều tra nghi ngờ gian lận kế toán tại Công ty Dược phẩm Samsung Biologics, sau khi cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc cho rằng giá trị của công ty đã bị thổi phồng lên 4,5 nghìn tỷ won (3,64 tỷ USD) vào năm 2015.“Họ cáo buộc rằng Biologics đã vi phạm các quy tắc kế toán nhằm tăng giá trị cho Cheil Industries - chủ sở hữu lớn của công ty. Ông Lee Jaeyong cũng là cổ đông hàng đầu của Cheil Industries”- Hãng tin Yonhap cho biết.
Đồng thời, tờ Yonhap cũng đưa ra bình luận về việc các công tố viên nghi ngờ những nhân vật đầu não của Samsung có liên quan đến thủ thuật nhằm dọn đường cho ông Lee Jae Yong. Theo đó, ông Lee Kun Hee, Chủ tịch Samsung và là cha ruột của ông Lee Jae Yong, có thể đã cố tình hạ giá trị Samsung C&T trước vụ sáp nhập để làm lợi cho con trai.
Lee Jae Yong vào giai đoạn đó giữ vị trí cổ đông lớn nhất của Cheil Industries, công ty con sản xuất mặt hàng dệt may, hóa chất và vật liệu hóa chất điện tử. Số cổ phần Lee nắm giữ lúc đó là 23,2%. Việc Samsung C&T, trên thực tế là công ty kiểm soát Tập đoàn Samsung, hạ giá đã mở đường cho tỷ suất sáp nhập giữa hai công ty theo hướng có lợi hơn cho ông Lee.
Tương lai nào cho “đế chế”?
Tập đoàn Samsung, tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc với hơn 400 tỷ USD giá trị thị trường, liên tục phải vật lộn với các vấn đề pháp lý trong nhiều năm qua. Hàng chục giám đốc điều hành hiện tại và trước đây đã bị thẩm vấn, truy tố hoặc bắt giữ về các tội danh liên quan đến tham nhũng và các vấn đề kế toán cho đến phá sản công đoàn.
Ông Lee, 51 tuổi, từng bị tuyên án bỏ tù khoảng một năm cho đến khi được thả vào đầu năm 2018, sau đó trở lại tòa án để tái thẩm vào năm ngoái khi phạm vi của các cáo buộc sai trái đã được sửa đổi. Lần này, ông Lee tiếp tục phải đối mặt với khả năng ngồi tù..
Vụ xử mới nhất này có thể kéo dài nhiều tháng, có thể làm trầm trọng hơn những khó khăn mà Samsung đang phải đối mặt do chiến tranh thương mại Mỹ -Trung và nhất là việc Chính phủ Nhật Bản hạn chế xuất khẩu các loại linh kiện điện tử quan trọng sang Hàn Quốc, trong đó có những nguyên liệu phục vụ nhà máy sản xuất chip bán dẫn của Samsung. Lợi nhuận của Samsung trên thị trường điện thoại thông minh đã giảm 50% trong quý 3 và đây cũng là quý giảm thứ 4 liên tiếp.
Một khi bị tuyên có tội và phải ngồi tù, khoảng trống mà ông Lee Jae-yong để lại sẽ là rất lớn, có thể ảnh hưởng tới các quyết định điều hành quan trọng của tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới này. Tuy nhiên, Tập đoàn Samsung hoạt động theo kiểu gia đình trị và chỉ có thành viên trong gia đình mới có quyền điều hành công ty. Trừ khi ông Lee chủ động lùi lại để tìm một người lãnh đạo chuyên nghiệp thay thế mình thì mới có hy vọng thay đổi” - theo Geoffrey Gain, tác giả một cuốn sách về Samsung sắp ra mắt, nhận định.
Trên thực tế, Samsung có cả một đội quân gồm các chuyên gia kinh tế và quản lý cấp cao điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày. Ông Lee có thể điều hành ngay cả khi ngồi tù và quay lại nắm quyền khi ra tù. Gần đây ông Lee đã phải từ bỏ việc gia hạn nhiệm kỳ 3 năm trong Hội đồng Quản trị và nhiệm kỳ này sẽ chấm dứt vào tuần tới. Ông vẫn giữ cương vị là Phó Chủ tịch tập đoàn, nhưng Hội đồng Quản trị sẽ có toàn quyền đưa ra những quyết định quản lý. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lee Sang-hoon và Chủ tịch Samsung Chung Hyun-ho sẽ đảm nhận việc quản lý trong thời gian ông Lee vắng mặt.