Ông Vinh thương binh trồng rừng
Là chiến sĩ trong đội quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào chiến đấu, khi trở về quê hương mang trong mình vết thương nên cuộc sống của ông Đinh Quang Vinh (ở thôn Sy, xã Hóa Phúc, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) gặp nhiều khó khăn. Nhưng, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống đời thường bằng ý chí, bản lĩnh và đôi tay của một người lính, một mình ông Vinh đã kiên trì trồng rừng kết hợp chăn nuôi để vươn lên làm giàu…
Ông Đinh Quang Vinh và vườn keo của gia đình.
Trưa nắng bên mái hiên nhà rợp bóng cây, ông Đinh Quang Vinh (76 tuổi) nhớ lại. Năm 1962, khi đó mới 18 tuổi, ông theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ ở Tiểu đoàn 929, Quân khu IV và tham gia chiến đấu ở Mặt trận Trung Lào. Tháng 6/1964, trong một lần làm nhiệm vụ, ông Vinh bị vướng mìn của địch nên bị thương nặng. Để cứu chữa vết thương ở bàn chân trái, ông được đưa xuống tuyến sau rồi chuyển về điều trị tại Bệnh viện Quân y 4 (Quân khu IV). Tháng 10/1964, ông Vinh ra viện và trở lại đơn vị nhưng do vết thương nặng nên cuối năm 1965, ông được đơn vị cho phục viên.
Trở về quê hương Hóa Phúc, cùng với việc thường xuyên phải chống chọi những cơn đau do vết thương tái phát khi trái gió, trở trời, ông Vinh không ngờ mình còn phải mang trong người thứ chất độc da cam quái ác. Vợ chồng ông sinh được 8 người con nhưng đã có 3 người bị dị tật do di chứng của chất độc da cam.
Ông Đinh Quang Vinh nhớ lại: “Hoàn cảnh gia đình tôi thời gian đó phải nói là rất khó khăn, các con còn nhỏ dại và bị tật nguyền nên thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà… Nhiều đêm nằm suy nghĩ, tôi quyết tâm phải làm gì đó cho vợ con đỡ khổ. Mặc dù biết con đường vượt khó của mình sẽ rất gian nan, nhưng tôi luôn tin tưởng “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
Vật lộn mưu sinh để nuôi đàn con khôn lớn, mãi đến năm 2003, sau khi tìm hiểu ở địa phương có một số diện tích đất trống, đồi núi trọc còn để hoang hóa nên ông Vinh làm đơn xin được nhận 1ha đất đồi trọc để lập nghiệp.
Để có cơ ngơi như ngày hôm nay là kết quả của cả quá trình làm lũ, chịu khó của vợ chồng ông Vinh. Cho đến bây giờ, người làng ở thôn Sy vẫn không quên hình ảnh anh thương binh người nhỏ thó, dáng đi xiêu vẹo, cần mẫn từng nhát rựa, nhát cuốc để “chinh phục” vùng đất cằn nơi mái đồi. Những ngày đó, do chưa nắm bắt được kỹ thuật trồng và chăm bón nên vườn cây keo của ông tỉ lệ cây sống rất thấp.
Nhưng rồi, sau nhiều năm quăng quật với đất đồi đầy sỏi đá, gia đình ông Vinh đã phủ xanh gần 20ha rừng keo. Ngoài trồng rừng, ông Vinh còn là một người nuôi ong mật giàu kinh nghiệm với đàn ong trên 50 tổ. Hiệu quả kinh tế từ trồng rừng, nuôi ong… đã mang lại thu nhập cho gia đình ông Vinh mỗi năm từ 200 đến 300 triệu đồng, có năm cao nhất lên đến 400 triệu đồng.
Không chỉ phát trển kinh tế hộ gia đình, ông Vinh đã gương mẫu đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động con cháu và người dân thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong công tác xã hội, ông Vinh có 2 nhiệm kỳ (từ năm 1990 đến năm 1996 và từ năm 2007 đến năm 2012) làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hóa Phúc. Với vai trò của mình, ông Vinh lại tích cực vận động hội viên tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo chính đáng. Vì vậy, trong những năm qua ở xã Hóa Phúc có nhiều hộ gia đình đã học theo ông Vinh để trồng rừng, sở hữu diện tích rừng lớn kết hợp phát triển chăn nuôi nên vừa tăng thu nhập vừa góp phần phủ xanh đất đồi trọc…