Công khai ngân sách để hấp dẫn nhà đầu tư

Thúy Hằng 30/05/2020 08:00

Kết quả khảo sát toàn cầu về Chỉ số công khai ngân sách mở 2019 vừa được công bố cho thấy điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam đã tăng mạnh, xếp hạng 77/117 nước, tăng 14 bậc.

Công khai ngân sách để hấp dẫn nhà đầu tư

Ông Nguyễn Minh Tân.

Trả lời câu hỏi, điều gì đã giúp cho Việt Nam đạt được những bước tiến đáng ghi nhận về mức độ công khai minh bạch ngân sách trong thời gian qua? Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho rằng đạt được bước tiến đáng ghi nhận nêu trên, trước hết là nhờ Quốc hội đã thông qua Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 (có hiệu lực từ năm ngân sách 2017) với những quy định về phạm vi, đối tượng, nội dung và hình thức công khai được mở rộng hơn rất nhiều so với trước đây. Chẳng hạn như việc công khai số liệu và báo cáo thuyết minh về dự toán NSNN khi Chính phủ trình Quốc hội... Kế đến là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành và chủ tịch UBND các cấp chính quyền địa phương đối với công tác công khai ngân sách của các ngành mình, địa phương mình.

Cho đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện công bố nhiều tài liệu ngân sách chủ chốt cần được công khai theo thông lệ tốt của quốc tế, bao gồm: Định hướng xây dựng ngân sách, Dự thảo dự toán ngân sách trình Quốc hội, Dự toán ngân sách được Quốc hội quyết định, Báo cáo ngân sách công dân, Báo cáo ngân sách quý, Báo cáo ngân sách 6 tháng, Báo cáo ngân sách cuối năm, Báo cáo kiểm toán… Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để hoàn thiện, bổ sung thêm các thông tin trong báo cáo đánh giá 6 tháng nhằm đáp ứng yêu cầu đề ra.

Đáng chú ý, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính cũng đã mở chuyên mục Công khai ngân sách để công khai đầy đủ, kịp thời các tài liệu, số liệu về NSNN; chuyên mục Hỏi và đáp để tiếp nhận và giải đáp kịp thời các ý kiến thắc mắc, góp ý của người dân…

Vẫn theo ông Tân, việc chỉ số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao sẽ góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, tạo cơ sở để thu hút thêm các dòng vốn trong và ngoài nước đầu tư vào Việt Nam.

“Chúng tôi hy vọng, Việt Nam sẽ tiếp tục là địa điểm an toàn, hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn trong thời gian tới”- ông Tân nói và cho biết, để thực hiện tốt công tác công khai NSNN, thời gian tới Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành tài chính thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ, giải pháp sau; trong đó có việc tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý về công khai tài chính, hướng tới chuẩn mực quốc tế. Đồng thời sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công khai ngân sách để tạo điều kiện tối đa cho người dân được tiếp cận và khai thác thông tin NSNN.

Bên cạnh đó, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai ngân sách của các bộ/ngành, địa phương, các đơn vị sử dụng ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Luật NSNN.

Ngân hàng tìm cách tăng vốn

Mùa đại hội đồng cổ đông của ngân hàng đang bắt đầu rầm rộ. Tăng vốn điều lệ và bàn cách tăng tín dụng là những nội dung được đưa ra bàn luận khá rôm rả. Một trong những lý do mà các ngân hàng đưa ra về việc tăng mạnh vốn điều lệ ngay trong năm nay là nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực đầu tư phát triển hệ thống, mở rộng mạng lưới chi nhánh và tăng cường đầu tư…Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực- thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia thì trong bối cảnh rủi ro gia tăng, ngân hàng càng cần tăng sức đề kháng, bởi rủi ro gia tăng thì hệ số an toàn vốn của các ngân hàng ngày càng yếu. Tuy nhiên, nếu không thể tăng vốn thì khả năng cung ứng vốn, giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế của các ngân hàng sẽ kém đi. T.Hằng

Thúy Hằng