Nhận diện hành vi bạo hành trẻ em
Thời gian gần đây, hàng loạt vụ bạo hành trẻ em ở mức nghiêm trọng bị phát hiện và xử lý. Điều đáng nói thủ phạm bạo hành các em lại chính là những người thân trong gia đình, thậm chí là mẹ ruột. Không chỉ bạo hành về thể chất, về tinh thần bằng hành động mà ngay cả lời nói, thậm chí sự im lặng cũng có thể làm tổn thương, gây hại và cản trở sự phát triển của trẻ…
Trân trọng trẻ để trẻ cảm nhận được yêu thương.
Muôn dạng bạo hành
Theo Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp 9, Quốc hội khoá XIV, giai đoạn từ 2015 đến 2019, cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác.
Hàng ngày, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin ở nơi này, nơi kia phát hiện ra vụ việc người thân bạo hành con trẻ đến mức… tử vong hay kẻ xấu đột nhập vào trong khuôn viên trường học, xâm hại học sinh… khiến không ít người lo lắng. Chưa kể những nguy hiểm rình rập khác luôn bủa vây xung quanh những đứa trẻ yếu ớt như tai nạn giao thông, đuối nước…
Theo tài liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), bạo hành trẻ em tức là dùng lời nói và/hoặc hành động để ngược đãi về thể chất cũng như tinh thần của trẻ em. Xâm hại tình dục ở trẻ nhỏ cũng là một dạng bạo hành. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, từ nhà ở đến trường học hay ngoài xã hội, không kể xuất thân hay tôn giáo.
Bạo hành trẻ em thường được chia làm 4 dạng: Bạo hành thể chất, lạm dụng tình dục, bạo hành thông qua lời nói hay cảm xúc, bỏ rơi trẻ em. Trong đó, việc bạo hành trẻ em mà không cần đụng chạm đang là tình trạng báo động khi dễ dàng xảy ra bởi cuộc sống ngày nay nhiều áp lực, người thân, cha mẹ hay người khác tiếp xúc với các em mà thiếu tính kiềm chế. Chẳng hạn, việc la hét lớn tiếng hoặc sử dụng từ ngữ không lịch sự với trẻ. Luôn chỉ trích, chì chiết những sai lầm nhỏ của trẻ ngày này qua ngày khác, thậm chí ở những nơi đông người. Không cho phép trẻ nêu ý kiến cá nhân…
PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người phân tích, việc bố mẹ hay thầy cô… tức giận với trẻ trong một thời điểm nhất định là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu kèm theo đó là các hành vi la hét hay đe dọa, sử dụng hình phạt thái quá sẽ khiến trẻ cảm thấy tệ về bản thân. Ngay cả việc không ngừng so sánh bạn A làm được, tại sao con không làm được… cũng có thể gây tổn thương sâu sắc cho trẻ.
“Khác với những hình thức bạo hành khác, việc bạo hành trẻ bằng lời nói thường khó nhận ra với người xung quanh, thậm chí cha mẹ quát trẻ cũng khó nhận thức mình đang ngược đãi con. Đôi khi con trẻ cũng không nhận thấy sự nghiêm trọng của vấn đề. Song về lâu dài, nó sẽ tạo ra những tác động không tốt với sự phát triển của trẻ nên cần hết sức hạn chế” – ông Nguyễn Võ Kỳ Anh nêu quan điểm.
Bắt đầu từ gia đình
Theo các chuyên gia, nếu quan sát trẻ có một trong các biểu hiện như ngủ muộn hoặc rất khó ngủ, mất ngủ; khóa hết tài khoản mạng xã hội, dành quá nhiều thời gian vào mạng xã hội rồi ủ rũ, chán chường hoặc không cho ai đụng đến máy vi tính, điện thoại của mình… thì rất có thể trẻ đang gặp phải những rắc rối trên mạng. Việc cần làm là lưu lại mọi nội dung, bằng chứng và tùy thuộc vào mức độ để xử lý với sự vào cuộc của nhà trường, thậm chí là công an nếu sự việc nghiêm trọng.
Để làm được điều đó, việc đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, cha mẹ, những người thân phải thường xuyên dành thời gian trò chuyện, quan sát con, phát hiện ra những bất ổn tâm lý ở con để có biện pháp động viên tinh thần phù hợp hoặc can thiệp nếu trong trường hợp con không thể tự giải quyết được. Thường xuyên giữ liên lạc với giáo viên và nhà trường để nắm bắt được tình hình học tập, giao lưu của con. Cẩn trọng trong mọi hành động, lời nói của bản thân để tránh làm tổn thương trẻ, kể cả do vô tình, thông cảm với trẻ và học cách bình tĩnh trong mọi tình huống để cư xử đúng mực.
Đơn cử như việc “khoe con” trên mạng xã hội ngày nay đang được rất nhiều bậc phụ huynh thực hiện nhưng không phải đứa trẻ nào cũng cảm thấy thoải mái với những hình ảnh, thói quen, thành tích, thậm chí cả những tật xấu của mình lại xuất hiện công khai trên mạng xã hội. Kèm theo đó là hàng loạt bình luận, dù là thiện chí của những người quen và không quen khiến trẻ có thể cảm thấy bất an…
Theo chuyên gia tâm lý-TS Vũ Thu Hương, cha mẹ cần học cách thấu hiểu, tôn trọng cảm xúc của con, dù là trẻ nhỏ 1,2 tuổi. Để con trẻ được an toàn, cần dạy con những kỹ năng tự vệ đơn giản như không cho ai động vào vùng kín của mình, không nhận quà của người lạ, không chạy ra đường, biết mách cha mẹ khi có ai làm con hoảng sợ…
“Việc bạo hành nếu đã xảy ra, để chăm sóc trẻ, việc đầu tiên là bố mẹ phải đổi môi trường học tập cho bé. Ngoài ra, phụ huynh phải cư xử với con hoàn toàn bình thường, không nên chăm sóc, dỗ dành quá đà, nhắc lại những chuyện cũ, để trẻ không nhớ lại ký ức không vui” – TS Vũ Thu Hương phân tích.
Ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em;
Xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi pháp pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm chễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em với phương châm “đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm”.