Đánh bạc nghìn tỷ

Lê Anh Đức 30/05/2020 08:19

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC02, Công an TP Hà Nội) vừa triệt phá đường dây đánh bạc online với số tiền “khủng” lên tới 64.000 tỷ đồng. Đây là vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc online với số tiền lớn nhất từ trước đến nay mà cơ quan công an đã triệt phá. Lạ ở chỗ, hàng triệu con bạc đã tham gia sát phạt trong suốt gần hai năm trời đến nay mới bị phát hiện, xử lý. Dư luận xã hội đặt câu hỏi: Có hay không sự bảo kê để ổ nhóm tội phạm lộng hành?

Sự nghi ngờ của dư luận xã hội không phải không có căn cứ khi mà đường đây đánh bạc online do Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cầm đầu có sự bảo kê, tiếp tay của 2 tướng công an là Trung tướng Phan Văn Vĩnh và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa mới chỉ “cán đích” 11.000 tỷ đồng giao dịch. Trong khi đó, đường dây đánh bạc online vừa bị cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội triệt phá có số tiền giao dịch gấp gần 6 lần số tiền giao dịch của vụ án đánh bạc online từng được các “ông tướng” bảo kê.

Được bảo kê đồng nghĩa với việc biết trước mọi hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, thậm chí điều tra, truy tố, xét xử, để có thể “luồn lượn, né tránh” sự kiểm soát, phát hiện của các cơ quan chức năng mà mức độ giao dịch còn lên tới 11.000 tỷ đồng. Vậy thì số tiền giao dịch đánh bạc lên tới 64.000 tỷ đồng trong thời gian gần 2 năm hẳn nhiên không thể “tự nhiên tồn tại”. Nếu không được ai đó che chắn, chắc chắn đường dây đánh bạc này đã bị triệt phá từ lâu, cũng không nhiều con bạc bị “sập bẫy” đến vậy.

Nhiều ý kiến cho rằng, đáng trách ở đây chính là các con bạc khát nước lao vào đỏ đen như thiêu thân lao vào lửa, nên các đường dây đánh bạc mới có thể tồn tại. Vâng, tất nhiên là đúng. Nếu không có con bạc thì làm sao có thể tổ chức đánh bạc đây? Song, trong bài viết này, chúng tôi không muốn đề cập tới cơn khát đỏ đen của những người say mê đánh bạc, mà chỉ muốn luận bàn về việc vì sao một hành vi vi phạm pháp luật lại có thể tồn tại lâu đến vậy. Chẳng phải chúng ta có những cơ quan chuyên trách rất giỏi để kiểm soát hay sao?

Nếu như đường dây đánh bạc online do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu, có sự bảo kê của các tướng công an vẫn phải “kín đáo” che đậy hình thức đánh bạc, thì đường dây đánh bạc online vừa bị Công an TP Hà Nội triệt phá lại lộ liễu. Các đối tượng tổ chức cho con bạc sát phạt nhau bằng các hình thức tá lả, tôm cua cá, xóc đĩa... đều là những phương thức đánh bạc truyền thống dễ bị nhận diện và nghiêm cấm. Những hình thức đánh bạc dễ dàng nhận diện, vì sao vẫn có thể tồn tại lâu đến vậy?

Tất nhiên, sẽ có “hàng tỷ” lý do để giải thích cho việc vì sao đường dây đánh bạc online này khởi phát từ năm 2018 nhưng đến nay mới bị phát hiện, xử lý. Một trong số đó sẽ là: Do các đối tượng tổ chức đánh bạc sử dụng sever nước ngoài nên khó có thể kiểm soát, thu thập chứng cứ... để lập án. Song, tất cả những điều đó chỉ là cách ngụy biện cho việc chưa làm tròn chức trách ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, mà ở đây là đánh bạc online với số tiền lên tới 64.000 tỷ đồng.

Nói như vậy không có nghĩa ám chỉ có sự bảo kê, thỏa thuận ăn chia giữa các cơ quan thực thi pháp luật và những đối tượng tổ chức đánh bạc online. Song, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, thực tế thì mọi di biến động của các loại tội phạm hầu hết đều trong “tầm ngắm”. Có được điều đó là nhờ chúng ta đã làm tốt công tác thế trận an ninh nhân dân, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện.

Nhưng lạ là dẫu vậy nhưng thời gian qua có khá nhiều đường dây đánh bạc online vẫn có thể tồn tại, phát triển đến mức “khủng” mới bị triệt phá. Đó là chưa kể các loại tội phạm khác, đặc biệt là nạn cho vay nặng lãi qua app trên mạng, đến nay vẫn là vấn nạn nhức nhối mà các cơ quan thực thi pháp luật chưa thể xử lý dứt điểm. Hành lang pháp lý đã khá chặt chẽ, hành vi vi phạm của các đối tượng cũng đã rõ, có lý gì khó xử lý?

Qua những phân tích ở trên, chúng tôi không muốn dẫn độc giả tới kết luận là các cơ quan thực thi pháp luật bảo kê, dung túng cho tội phạm lộng hành. Song, phải thắng thắn thừa nhận rằng, dù số cán bộ chiến sĩ công an thoái hóa biến chất, bảo kê cho tội phạm chỉ là thiểu số, không nhiều, nhưng đó vẫn là thực tế tồn tại chứ không phải là mơ hồ. Do vậy, Bộ Công an, công an các địa phương và toàn hệ thống chính trị cần có biện pháp siết chặt hơn nữa công tác quản lý, đồng thời khâu tuyển chọn, bổ nhiệm nhân sự, nhất là nhân sự thực thi pháp luật cần có sự xem xét cẩn trọng, tránh để con sâu làm rầu nồi canh.

Lê Anh Đức