Sống trong vùng sạt lở
Những năm qua, nhiều nơi tại Đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở, đe dọa trực tiếp tới cuộc sống của người dân. Mới đây, sau gần một năm kể từ vụ sạt lở đất làm mất gần 100m Quốc lộ 91, đoạn qua ấp Bình Tân (xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh, An Giang) thì cũng trên tuyến Quốc lộ này lại tiếp tục xuất hiện sạt lở với chiều dài hơn 40m, đe dọa đến 81 hộ dân, trong đó có 29 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Câu hỏi đặt ra là vì sao xuất hiện tình trạng sạt lở và làm gì để khắc phục?
Hiện trường vụ sạt lở Quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang vào sáng 27/5.
1. Thực ra thì những giải pháp khắc phục sạt lở cũng đã được đặt ra và tiêu tốn khá nhiều tiền nhưng vẫn không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Với vụ sạt lở mới đây nhất (ngày 27/5), UBND tỉnh An Giang đã phải có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ (ngày 8/5) xin chủ trương được xã hội hóa Dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu, nhằm bảo vệ tuyến Quốc lộ 91 một cách căn cơ và lâu dài.
Sau 2 ngày căn nhà bị “trôi” mất, một nông dân ở ấp Bình Tân (xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) vẫn thất thần. Ông lo buồn vì để có căn nhà trị giá 500 triệu đồng, gia đình đã phải chạy vay khắp nơi. Nay, coi như trắng tay, món nợ không biết đến bao giờ mới trả nổi vì dẫu sao thì khi gom được chút tiền nào thì cũng phải dành cho việc cất nhà khác để ở tạm.
Ông Tròn, người bỗng dưng mất nhà cho biết, trước đó mặt đường Quốc lộ 91 (cũ) đã xuất hiện nhiều vết nứt chạy dọc theo bờ sông Hậu. Các vết nứt cứ nở rộng dần, vào sát tận cổng nhà. Rồi thì việc gì đến cũng đã đến: Sáng ngày 27/5, mặt đường trước nhà ông sụp xuống dòng sông Hậu.
“Chúng tôi sống ở đây 3 thế hệ rồi, nay phải di dời đi nơi khác, thật khó khăn”- ông Tròn nói.
Đáng sợ nữa là việc sạt lở tại khu vực này cũng đã từng xảy ra vào tháng 8/2019, chỉ cách nơi sạt lở lần này chưa tới 100 m, về hướng thành phố Long Xuyên. Tối 31/7 cho đến rạng sáng 1/8/2019, nơi này liên tiếp xảy ra sạt lở đất; làm 1/2 mặt đường nhựa với chiều dài hơn 85 m về phía hạ lưu bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu, buộc 26 hộ dân phải di dời khẩn cấp, tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh bị tê liệt. Tại vị trí sạt cách bờ 70m có hố xoáy sâu 25m.
Lui về trước, năm 2010, ở đây cũng đã từng sạt lở. Vụ sạt lở tháng vào 3/2010 đã khiến toàn bộ mặt đường Quốc lộ 91 cùng 51 trụ chắn và hàng trăm rọ đá mất hút xuống lòng sông trong lúc đang khắc phục sự cố. 6 căn nhà và hàng chục căn nhà khác phải tháo dỡ di dời khỏi vùng nguy hiểm.
Cầm cự mãi cho đến 5h30 ngày 27/5, đoạn đường này lại sạt lở một lần nữa, khiến 1/3 mặt đường nhựa với chiều hơn 40 m bị sụt hoàn toàn xuống sông. Vụ sạt lở đe dọa đến 81 hộ dân, trong đó có 29 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, vị trí sạt lở đoạn đi qua ấp Bình Tân vẫn có dấu hiệu tiếp tục mở rộng về phía hạ lưu. May là đoạn sạt lở này nằm trong cảnh báo sạt lở nên không gây thiệt hại về người và tài sản của người dân.
Còn về nguyên nhân? Nó được coi là do chế độ dòng chảy thay đổi qua đoạn sông cong, dòng chảy áp sát bờ, mái sông thẳng đứng, nền đất yếu gây ra hiện tượng rạn nứt.
Được biết, tỉnh An Giang đã triển khai Dự án xử lý sạt lở sông Hậu bảo vệ Quốc lộ 91 đoạn qua huyện Châu Phú với chiều dài 1.350 m từ Km88+574 Quốc lộ 91 (từ vị trí mép dưới của vị trí sạt lở 85m hướng về phà Năng Gù khoảng 660 m) đến Km89+928 Quốc lộ 91 (từ vị trí mép trên của vị trí sạt lở 85m hướng về cầu Cây Dương khoảng 605m) với tổng mức đầu tư được xác định là 242,424 tỷ đồng.
Trong khi Ban quản lý Dự án công trình Giao thông tỉnh An Giang mới thực hiện xong giai đoạn 1 - xử lý khẩn cấp sạt lở nghiêm trọng Quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, có chiều dài là 160m, với kinh phí 25,2 tỷ đồng (nghiệm thu đưa vào sử dụng ngày 13/4/2020), thì sáng 23/5/2020 tại Km89+076 của Quốc lộ 91 (cách vị trí sạt lở năm 2019 khoảng 85 m hướng về hạ lưu) tiếp tục xuất hiện các vết nứt, đến sáng 27/5 sụt 1/3 mặt đường xuống sông Hậu.
Theo lãnh đạo tỉnh An Giang, việc xử lý sạt lở bằng các giải pháp công trình chỉ thực hiện trong tình huống cấp bách, cấp thiết trước mắt nên thường tốn chi phí rất cao và không bền vững vì nó không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Quan trọng là phải nạo vét, thông luồng, chỉnh trị dòng chảy sông Hậu. Nhưng giải pháp này lại không thể làm gấp gáp mà phải thực hiện theo các quy trình nghiêm ngặt, với sự nghiên cứu, tham vấn của các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia và nhà khoa học. Vì thế, mối hiểm nguy vẫn còn đó trong khi tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh An Giang ở các sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao... có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Được biết, hiện chiều rộng lòng sông Hậu (đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú), kéo dài khoảng 3km bị thắt hẹp còn khoảng 300m, do phù sa bồi đắp ở bờ đối diện; trong khi so với đoạn ở thượng lưu và hạ lưu liền kề rộng khoảng 600m. Điều đó làm gia tăng vận tốc dòng chảy gây xói bờ.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện - người có nhiều nghiên cứu về Đồng bằng sông Cửu Long thì việc sạt lở là do lòng sông hẹp nên sinh ra 2 dòng chảy là chảy tới và chảy xoắn. Dòng chảy xoắn ăn đứt chân đường bờ, nên việc thực hiện xây kè sẽ không mang lại hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy, khi kè một điểm thì sẽ dịch chuyển xuống ngay phần tiếp với hạ lưu của kè mới làm và tiếp tục sạt lở. Có nghĩa là nếu chỉ tính tới việc xây kè thì cũng có nghĩa là dịch chuyển vùng sạt lở chứ không phải giải quyết sạt lở.
Nhìn chung, ý định “nắn dòng” là phương án rất cần cân nhắc trước khi thực hiện và trong khi việc “chỉnh trị dòng chảy” còn đang ngổn ngang thì vấn đề cực quan trọng là phải ổn định cuộc sống người dân.
2. Việc sạt lở, “Hà Bá nuốt nhà” người dân tại Đồng bằng sông Cửu Long trên thực tế là nằm trong những biến động bất lợi của cả vùng. Những năm qua, do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, toàn vùng phải đối diện với nhiều khó khăn. Cùng đó, việc khai thác quá dữ dội cát sỏi trong các con sông đã tạo ra những dòng chảy, dòng xoáy bất thường, tấn công vào hai bên bờ sông, khiến nền đất đã yếu lại càng yếu hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn hạn chế tiêu cực ở vùng này thì không chỉ lo đối phó với việc sạt lở, hạn mặn, triều cường… mà phải lập được quy hoạch cho toàn vùng. Trong cuộc họp ngày 27/5 mới đây do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cũng đã cho thấy điều đó.
Tại cuộc họp, đa số các ý kiến cho rằng cần lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long một cách bài bản, căn cơ, mang tính tổng thể, đồng bộ của toàn vùng. Quy hoạch vùng được xem là cầu nối giữa các quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch tỉnh (liên kết theo chiều dọc). Đồng thời cũng là cơ sở để đảm bảo sự kết nối, liên kết phát triển giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các tỉnh trong vùng (liên kết theo chiều ngang).
Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố, có tổng diện tích tự nhiên hơn 4 triệu ha (chiếm khoảng 12% diện tích cả nước) với quy mô dân số hơn 17 triệu người (chiếm khoảng 19% dân số cả nước). Hằng năm nơi đây sản xuất 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.
Với tầm quan trọng và sự đóng góp rất lớn ấy cho cả nước, vì thế việc sớm có giải pháp tổng thể, cụ thể cho Đồng bằng sông Cửu Long là hết sức quan trọng, cấp thiết. Nếu không, “đến hẹn lại lên”, chúng ta lại vẫn phải chứng kiến cảnh sạt lở, người dân mất nhà, ruộng đồng héo khô…
Chiều 27/5, bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang khi trực tiếp khảo sát vùng sạt lở trên tuyến Quốc lộ 91 (cũ), đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú đã yêu cầu UBND huyện triển khai ngay việc di dời dân nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn, bảo vệ tối đa tính mạng, tài sản của người dân, đảm bảo các điều kiện về sinh hoạt cho người dân trong thời gian di dời về nơi ở mới.
Trong đó có việc huy động các nguồn lực trong xã hội, các tổ chức xây nhà từ thiện trong tỉnh cùng chung tay xây dựng nhà mới cho các hộ dân phải di dời do sạt lở.
“Về lâu dài, địa phương cần chủ động các phương án bố trí chỗ ở mới đối với 600 hộ dân có nhà nằm trong vùng cảnh báo nguy hiểm dọc theo tuyến Quốc lộ 91 xã Bình Mỹ; địa phương cần có kế hoạch cụ thể theo từng nhóm, từ nguy cơ cao đến thấp để bố trí quỹ đất cũng như nguồn kinh phí thực hiện”- bà Xuân lưu ý.