Tổng thống Mỹ hoãn Hội nghị thượng đỉnh G7
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31/5 nói rằng ông sẽ tạm hoãn Hội nghị thượng đỉnh G7 mà ông từng hy vọng sẽ tổ chức trong tháng tới sang tận tháng 9 hoặc có thể muộn hơn, đồng thời muốn mở rộng danh sách các nước khách mời thêm Australia, Nga, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một. Nguồn: Reuters.
“Lỗi thời”
Phát biểu trước các phóng viên trên Không lực Một trên đường từ Cape Canaveral ở bang Florida về Washington, Tổng thống Trump nói rằng G7, nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới, là một “nhóm các nước rất lỗi thời” theo định dạng như hiện nay.
“Tôi sẽ tạm hoãn nó bởi tôi không cảm thấy rằng với tư cách G7 nó không đại diện cho những gì đang diễn ra trên thế giới hiện nay. Nó là một tổ chức rất lỗi thời” - ông Trump nói.
Hiện vẫn chưa rõ động thái trên của ông Trump có nghĩa rằng ông muốn mời thêm một số quốc gia gia nhập vĩnh viễn vào nhóm G7 nhằm mở rộng nhóm này hay không. Trong một số sự kiện trước đây, ông Trump từng đề xuất rằng G7 nên có thêm Nga với tư cách thành viên, bởi nước này có tầm quan trọng chiến lược trên toàn cầu.
Nga đã bị đưa ra khỏi nhóm trước kia là G8 vào năm 2014 khi người tiền nhiệm của ông Trump là ông Barack Obama, còn đang nắm quyền, sau sự kiện Crimea trở lại thành một phần của nước Nga. Mặc dù ông Trump từng nhiều lần đề xuất mời Nga tham gia trở lại G7, nhưng bị các nước thành viên nhóm này phản đối.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Alyssa Farah nói rằng ông Trump muốn các nước trong nhóm G7 thảo luận về vấn đề Trung Quốc nhân hội nghị thương đỉnh sắp tới.
Trước đó, ông Trump đã chỉ trích Bắc Kinh liên quan tới cách ứng phó đại dịch Covid-19, và trong hôm thứ Sáu vừa qua, ông đã chỉ thị cho chính quyền của mình bắt đầu tiến trình chấm dứt cách ứng xử đặc biệt đối với Hong Kong để phản ứng về dự luật an ninh mới mà Trung Quốc thông qua.
Quyết định hoãn Hội nghị thượng đỉnh G7 được xem như một bước lùi đối với ông Trump, người đang tìm cách đón tiếp các nước công nghiệp lớn tại Washington như một cách chứng minh rằng nước Mỹ đang dần trở lại cuộc sống bình thường sau đại dịch Covid-19 hiện đã cướp đi sinh mạng của hơn 103.000 người Mỹ.
Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Donald Trump tuyên bố hoãn Hội nghị thượng đỉnh G7 cùng Liên minh châu Âu (EU) dự kiến tổ chức vào ngày 10/6 tại Mỹ, do dịch Covid-19 lây lan khắp thế giới và tình trạng đi lại toàn cầu bị hạn chế.
Quan ngại về dịch bệnh
Tuy nhiên, tuần trước, ông Trump cho rằng đã đến lúc tổ chức một hội nghị G7 trực tiếp, đồng thời nhấn mạnh rằng đây sẽ là một thông điệp cho thấy thế giới đang dần khôi phục trạng thái bình thường sau cuộc khủng hoảng y tế này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc tổ chức hội nghị G7 theo phương thức gặp mặt trực tiếp trong tương lai gần”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ủng hộ ý tưởng tổ chức cuộc họp trực tiếp, theo Nhà Trắng, nhưng Thủ tướng Canada Justin Trudeau lại phản đối điều này, cho rằng có quá nhiều câu hỏi đặt ra về vấn đề sức khỏe trong bối cảnh dịch. Trong tuần này, Thủ tướng Angela Merkel cũng tuyên bố bà sẽ không tham dự G7.
Phát ngôn viên của bà đã cảm ơn ông Trump, nhưng nói rằng nhà lãnh đạo Đức “không thể đồng ý với sự đích thân tham gia của bà, cho một hành trình tới Washington”.
Hàn Quốc hiện đã nắm được thông tin ông Trump muốn mời họ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 và cho biết sẽ thảo luận về vấn đề này với Mỹ - Reuters dẫn lời một quan chức chính phủ ở Seoul cho hay.
G7 quy tụ 7 nước gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Đức, Italy và Canada, và Liên minh châu Âu cũng tham dự.