Chính sách có hiệu lực trong tháng 6

K.Lê 01/06/2020 08:00

Trong tháng 6, nhiều chính sách chính thức có hiệu lực. Đáng chú ý trong đó có quy định về không kê biên, xử lý hoặc kê biên, xử lý cưỡng chế thi hành án áp dụng với pháp nhân thương mại và việc xử phạt hành vi tự ý cho thuê ô tô công.

Nghị định số 44/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành án với pháp nhân thương mại sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6. Theo nghị định, các biện pháp cưỡng chế thi hành án áp dụng với pháp nhân thương mại gồm phong tỏa tài khoản; kê biên tài sản; tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử; tạm giữ hoặc thu hồi con dấu.

Tuy nhiên, Nghị định 44 nghiêm cấm kê biên một số tài sản của pháp nhân như vật phục vụ quốc phòng, an ninh; thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm cho người lao động; nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế nếu không phải là tài sản để kinh doanh; trang thiết bị phục vụ an toàn lao động, phòng cháy...

Ngược lại, nếu pháp nhân thương mại không còn tài sản, cơ quan thi hành án hình sự có quyền kê biên, xử lý tài sản của pháp nhân thương mại đang cầm cố, thế chấp hoặc đang do người thứ ba giữ.

Các tài sản là vốn góp; phương tiện giao thông; quyền sở hữu trí tuệ; tài sản gắn liền với đất… đều có thể trở thành đối tượng bị kê biên.

Còn việc xử phạt hành vi tự ý cho thuê ô tô công, đây là một trong những nội dung đáng chú ý của Thông tư 29/2020/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công. Cụ thể theo Khoản 1, Điều 6 Thông tư nêu rõ, việc xử phạt hành vi vi phạm quy định về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp… vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được thực hiện theo quy định tại Điều 13, Nghị định 63/2019/NĐ-CP. Riêng đối với cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội sử dụng tài sản công vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết thì xử phạt theo Khoản 2, Điều 8, Nghị định 63.

Theo đó, cơ quan, tổ chức cho thuê xe ô tô công sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Với cùng hành vi vi phạm, nếu do cá nhân thực hiện sẽ bị phạt tiền bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức. Do vậy, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng với hành vi tự ý cho thuê trụ sở làm việc.

Phạt tiền đối với hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích (sử dụng tài sản công không đúng với mục đích, công năng sử dụng của tài sản được đầu tư, trang bị, mua sắm; sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp làm nhà ở hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân; sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh không có tiêu chuẩn; sử dụng xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao, sử dụng xe ô tô vào mục đích cá nhân; sử dụng máy móc, thiết bị, tài sản khác vào mục đích cá nhân) theo các mức phạt sau: Từ 1đến 5 triệu đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 100 triệu đồng/1 đơn vị tài sản; Từ 5 đến 10 triệu đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có nguyên giá theo sổ kế toán từ 100.000.000 đồng trở lên/1 đơn vị tài sản; Từ 10 - 20 triệu đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô…

Quy định trên có hiệu lực từ ngày 2/6/2020.

K.Lê