Võ tổng hợp chính thức hợp pháp hóa tại Việt Nam
Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam (VMMAF) vừa chính thức được thành lập vào cuối tuần qua. Sau một thời gian chuẩn bị tích cực và kỹ lưỡng, sự ra đời của VMMAF đã đánh dấu một cột mốc lịch sử đối với một môn võ mang tính đặc thù cao, đầy tiềm năng này tại Việt Nam, đưa Võ tổng hợp (hay còn gọi là MMA) chính thức hợp pháp hóa tại Việt Nam.
MMA là môn thể thao đang thu hút rất lớn số lượng người theo dõi.
Cột mốc ra đời đáng nhớ
Võ tổng hợp MMA đã và đang rất phát triển trong khu vực, châu lục cũng như thế giới. Những quốc gia cận kề chúng ta như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Philippines đều đã có Liên đoàn MMA và tổ chức những giải đấu thành công.
Ở Việt Nam, từ nhiều năm nay, đã có những người yêu thích MMA tham gia tập luyện, thi đấu giao lưu quốc tế MMA tạo thành phong trào phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê hiện nay cả nước có hơn 50 CLB MMA, nổi bật như Dragon MMA Hà Nội, Saigon Sport Club với cơ sở vật chất hiện đại và số lượng người tập đông đảo lên tới 5.000 lượt người. Ngoài một số võ sĩ Việt kiều tiêu biểu như Cung Lê (Vô địch Strike Force), Martin Nguyên (Vô địch 2 hạng cân của One Championships), Ben Nguyễn (UFC), có những gương mặt trong nước đã thành danh, tiêu biểu như võ sĩ xếp hạng 9 trên bảng xếp hạng các tay đấm hạng lông châu Á Trần Quang Lộc.
Tuy nhiên, với những rào cản lớn, đặc biệt về mặt pháp lý và tổ chức đã làm cho các hoạt động liên quan đến MMA còn gặp nhiều khó khăn. Chính điều này đã thôi thúc sự ra đời của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện là Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam. MMA lần đầu xuất hiện tại Việt Nam nhưng nó được dự báo sẽ đáp ứng được nhu cầu rất lớn thưởng thức thể loại võ thuật này và hứa hẹn sẽ phát triển rực rỡ bởi các VĐV Võ của Việt Nam có phẩm chất anh hùng rất dũng cảm để tham gia.
Sau khi VMMAF được thành lập, đây sẽ là cơ hội rất thuận lợi để người tập luyện thi đấu MMA cũng như các CLB được chính thống thừa nhận, được tổ chức các giải đấu theo Luật định, mà Pháp luật Việt Nam không cấm người dân làm những gì không vi phạm pháp luật, còn Luật Thể dục thể thao cũng khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia phát triển các hoạt động thể thao. Liên đoàn MMA sẽ là nơi quy tụ những CLB, Võ đường, người tập luyện thi đấu giúp tổ chức một cách công khai những giải đấu, theo đúng Luật và các điều kiện an toàn về cơ sở thi đấu, an ninh, y tế và kể cả phòng chống Doping.
Nỗ lực tạo dấu ấn ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên
Ban Chấp hành nhiệm kỳ đầu tiên của VMMAF gồm 21 ủy viên, trong đó ông Ngô Đức Quỳnh- Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Dịch vụ Tàu Biển Đông làm Chủ tịch. Ông Ngô Đức Quỳnh chia sẻ: Sau khi thành lập, định hướng trước mắt của VMMAF là tập trung vào việc xây dựng Điều lệ hoạt động, Luật thi đấu. Chúng tôi sẽ tập trung phát triển đào tạo chuyên môn cho ban trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên. Bên cạnh đó là phát triển hệ thống tổ chức sự kiện, giải đấu một cách chuyên nghiệp bài bản... Liên đoàn sẽ hoạt động theo mô hình xã hội hóa 100% và chúng tôi có sự ủng hộ, song hành của các doanh nghiệp hứa hẹn sẽ giúp Võ thuật tổng hợp Việt Nam phát triển rực rỡ trong tương lai. Trong năm 2020 này, dự định của Liên đoàn sau khi thành lập đó là cố gắng tổ chức 1-2 sự kiện thi đấu MMA từ nước ngoài đưa về và cả sự kiện thi đấu dành cho các VĐV bán chuyên nghiệp trong nước.
Phát biểu trong ngày thành lập VMMAF, ông Vương Bích Thắng- Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao đã giao nhiệm vụ cho Ban Chấp hành phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thể dục thể thao, hoàn thiện điều lệ hoạt động của Liên đoàn để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Sớm kiện toàn tổ chức bộ máy Liên đoàn, phân công nhiệm vụ công tác cụ thể cho các Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn…
Cùng với đó, ông Thắng cũng nhấn mạnh: Liên đoàn cần quan tâm tới công tác quản lý các VĐV, trọng tài với một môn thể thao mới du nhập vào nước ta thời gian gần đây. Ban Chấp hành tập trung xây dựng nghiên cứu ban hành Luật thi đấu phù hợp với Luật của Liên đoàn Võ thuật tổng hợp quốc tế, pháp luật Việt Nam, cùng những điều kiện đặc thù Việt Nam. Tổ chức đào tạo, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn cho các vận động viên, trọng tài cùng các đơn vị tham gia thi đấu. Trong công tác tổ chức vận động viên, tổ chức hội viên và các câu lạc bộ, cần quan tâm công tác giáo dục đạo đức, xây dựng văn hóa ứng xử trong thi đấu có thể phát triển bền vững được môn võ tổng hợp tại Việt Nam.