Chuẩn bị tốt mới đón EVFTA thành công

Hoàng Mai 01/06/2020 09:40

Với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)- một hiệp định được đánh giá là mang lại nhiều cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam, đi kèm với nó là những thách thức không hề nhỏ- do tầm quan trọng ấy, EVFTA cùng với Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu cùng các nước thành viên (EVIPA) vì thế luôn nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan Chính phủ.

Chuẩn bị tốt mới đón EVFTA thành công

Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

1. Ngày 20/5, Quốc hội khóa XIV khai mạc kỳ họp thứ 9- một kỳ họp khá đặc biệt, trong bối cảnh, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp; còn tại Việt Nam, dù chúng ta đã cơ bản không có lây lan trong cộng đồng nhưng vẫn không thể chủ quan, khinh suất. Chính vì lý do này, ngay từ sớm, Thường vụ Quốc hội đã quyết định sẽ triệu tập họp Quốc hội làm hai đợt với tổng số ngày làm việc là 19 ngày. Điểm đặc biệt là, lần đầu tiên, Quốc hội họp trực tuyến từ ngày 20 đến ngày 29/5 và họp tập trung từ ngày 8 đến ngày 18/6. Trong kỳ họp này, xây dựng luật và pháp lệnh cũng vẫn là nội dung trọng tâm với việc xem xét, thông qua 10 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến với 6 dự án luật khác. Nổi bật trong số này có thể kể đến các dự án luật Bảo vệ môi trường, luật Tổ chức Quốc hội, luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư, luật Thỏa thuận quốc tế, luật Xử lý vi phạm hành chính…

Trong kỳ họp, Quốc hội cũng sẽ thực hiện giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021. Đồng thời Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các Nghị quyết về: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV do Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UB TƯMTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trình bày; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; Xem xét, quyết định việc tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước; Xem xét việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông…

2. Với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)- một hiệp định được đánh giá là mang lại nhiều cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam, đi kèm với nó là những thách thức không hề nhỏ- do tầm quan trọng ấy, EVFTA cùng với Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu cùng các nước thành viên (EVIPA) vì thế luôn nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan Chính phủ. Bởi, ở góc độ song phương, việc ký kết và phê chuẩn EVFTA là phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và chủ trương của ta trong việc đưa quan hệ với các đối tác lớn, trong đó có EU, đi vào chiều sâu, tăng cường đan xen lợi ích chiến lược, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của EU cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, chính trị, đối ngoại nhiều mặt của Việt Nam hiện nay. Còn, ở góc độ đa phương, với việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Hiệp định EVFTA sẽ làm gia tăng vai trò, vị thế của Việt Nam trong quan hệ EU – ASEAN cũng như tạo hình mẫu cho một hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với EU trong tương lai.

Bên cạnh đó, với tăng trưởng, EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó). Với xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Trong đó, hưởng lợi lớn là nhóm ngành xuất khẩu nông sản, nhóm ngành chế biến chế tạo và nhiều nhóm ngành khác được đánh giá là sẽ “cất cánh” cao hơn so với khi chưa có hiệp định. Bên cạnh đó, nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Nhưng không phải Hiệp định chỉ đem đến các lợi thế mà còn có những thách thức không hề nhỏ. Như Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày tại phiên khai mạc, việc Việt Nam cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta.

Tất nhiên, ai cũng hiểu đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Nhưng, với Việt Nam- một quốc gia có trình độ sản xuất, có độ mở của nền kinh tế so với các nước EU còn rất khiêm tốn; thì cam kết mở cửa của Việt Nam dù là có lộ trình, nhưng rất cần quan tâm đúng mức, truyền thông đúng mức để doanh nghiệp Việt kịp thời điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Bên cạnh đó, là một liên minh kinh tế đứng vào hàng mạnh nhất trên thế giới, lại được xây dựng dựa trên nền tảng của các nền kinh tế lớn, tiên tiến bậc nhất vì thế Hiệp định chắc chắn sẽ có những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, phát triển bền vững... Với những thách thức này, cần sự đột phá về cải cách thủ tục hành chính từ Chính phủ để giúp doanh nghiệp Việt không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chơi lớn và cũng để doanh nghiệp tự mình lớn lên thông qua việc làm quen với sân chơi lớn này. Rồi những cam kết về lao động, việc làm…

Thay mặt Chính phủ đề cập đến việc chuẩn bị cho Nhà nước và doanh nghiệp sẵn sàng tâm thế đến với EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã nêu các dự kiến các định hướng lớn và nội dung chính của Kế hoạch của Chính phủ về việc thực hiện EVFTA với 5 nhóm công việc chính gồm: Tuyên truyền, phổ biến; Xây dựng pháp luật, thể chế; Nâng cao năng lực cạnh tranh; Chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và tổ chức của người lao động tại cơ sở; và Chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững. Các công việc cụ thể đã được chi tiết cho từng Bộ, ngành với thời gian thực hiện tương ứng. Hy vọng rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta sẽ đón đầu được làn song thương mại, đầu tư tích cực từ châu Âu để góp phần vào công cuộc phát triển chung.

3. Kỳ họp thứ 9 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam đã lắng xuống và chúng ta còn nhiều vấn đề khác cần quan tâm. Ví như chuyện tìm vốn cho các dự án cao tốc Bắc- Nam phía Đông từ hình thức PPP sang đầu tư công. Về phương án tài chính, khi chuyển đổi sang đầu tư công thì cần bố trí thêm 44.493 tỷ đồng. Chính phủ cho biết đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm cân đối, bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải. Chính phủ sẽ chỉ đạo, tổng hợp trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của quốc gia, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, cơ chế xử lý việc này, theo lãnh đạo Ủy ban Kinh tế thì cần phải làm rõ, vì Quốc hội khoá XIV chỉ xử lý được tiền cho 2021; còn tiền từ 2021 đến 2026 thì Quốc hội khoá này không xử lý được, chưa kể năm nay ngân sách nhiều khả năng sẽ hụt thu không nhỏ.

Trong ngày 19/5, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 45, trong đó có việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Đáng chú ý trong kết luận này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành với phương án chuyển đổi đầu tư cả 8 dự án thành phần theo hình thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công như Tờ trình của Chính phủ. Trên tinh thần đó, đề nghị Chính phủ chuẩn bị lại Tờ trình để báo cáo lần 2 về Dự án này tại đợt 3 của phiên họp thứ 45 (dự kiến tổ chức trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 9 của Quốc hội). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu hoàn thiện hồ sơ, tài liệu báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định. Trường hợp đủ điều kiện sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, thảo luận vào đợt họp thứ 2 của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV. Với kết luận này, chúng ta chờ đợi một phương án khả thi cho cao tốc Bắc- Nam phía Đông để tạo tiền đề cho khu vực này phát triển mạnh hơn trong tương lai.

Hoàng Mai