Từ và chùa làng Hoành Sơn: Thờ ba vị tướng, ba triều
Cụm di tích lịch sử văn hóa từ và chùa làng Hoành Sơn (xã Thụy Văn, Thái Thụy, Thái Bình) tuy mới được trùng tu nhưng có lịch sử hơn ngàn năm nay. Di tích thờ các vị nhân thần là Đô hồ Đại tướng Phạm Tu (thời Lý Nam Đế), Phụ quốc Thượng tướng quân Vũ Huy Chước (thời Trần) và Kim ngô vệ tướng quân Lê Sĩ Căn (thời Lê).
Di tích lịch sử Từ và Chùa làng Hoành Sơn.
Cụm di tích lịch sử văn hóa từ và chùa làng Hoành Sơn được xếp hạng di tích Quốc gia năm 1993. Di tích từ gồm có 3 gian, mái lợp ngói mũi, bên trong có một bục thờ bằng gỗ lim kiểu chân quỳ dạ cá trên có thờ 5 cỗ ngai. Trong ngai là bài vị và linh vị, hai bát hương sứ thời Nguyễn. Trước cửa gian cung trong có bộ cửa võng chạm trổ tứ quý thông, trúc, cúc, mai rất tinh xảo. Gian ngoài cùng có bệ thờ đặt các cỗ mũ, một chiếc long đình đầu rồng bát cống, hai bên có giá gỗ để cắm các đồ thờ tế khí nhìn rất uy nghi, cổ kính.
Từ khi khởi dựng cho đến nay, ngôi từ luôn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng. Di tích cũng là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị thuần phong mỹ tục của địa phương. Hàng năm vào ngày mùng 6/3 âm lịch, cùng với quần thể di tích chùa Thanh Lương, ngôi từ đón hành trăm du khách từ mọi đất nước, những người con của quê hương về trẩy hội cầu quốc thái dân an.
Ông Lê Sỹ Khang- Trưởng ban Quản lý di tích từ và chùa làng Hoành Sơn cho biết: Gần đây, chính quyền và địa phương làng Hoành Sơn tu bổ các hạng mục di tích để nhằm tri ân công lao của các vị đã có công khai sáng ra ngôi từ. Đồng thời thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với các danh tướng đã có công đối với đất nước, làng xã.
Vị nhân thần được thờ trong từ đầu tiên là Đô hồ Đại tướng Phạm Tu. Theo thần tích, ngài sinh ngày 10/3 năm Bính Thìn (476) tại trang Quang Liệt, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Mất ngày 20/7 năm Ất Sửu (545). Sử sách còn ghi: Sau khi Lý Bí lên ngôi Hoàng Đế (Lý Nam Đế), dựng nước Vạn Xuân, các thế lực phương Bắc vẫn chưa chịu từ bỏ miền đất đai trù phú chúng từng đô hộ. Đầu năm Ất Sửu (545), nhà Lương đã huy động tấn công nước Vạn Xuân. Quân Lương tiến vào nước ta theo hai đường thủy bộ: Cánh quân thủy tiến ngược sông Thái Bình, cánh quân bộ tiến dọc theo chân triền núi miền Đông Triều. Cả hai cánh quân cùng tiến đánh với một binh lực đông, mạnh hơn ta gấp nhiều lần để cùng hợp điểm tại Kinh đô Long Biên.
Trước binh lực giặc Lương quá mạnh, lão tướng Phạm Tu cùng với Thái phó Triệu Túc, các tướng Triệu Quang Phục, Phùng Thanh Hòa huy động lực lượng tinh binh đánh chặn giặc. Quân ta lập các phòng tuyến nơi hiểm yếu, nhất là vùng các cửa sông, cửa biển.
Tại Thái Bình, lão tướng Phạm Tu đã lập phòng tuyến đánh giặc từ Thái Hải qua Trà Linh kéo dài đến các làng Lương Thường, Ri Phúc, Thuyền Đỗ và Hoành Sơn. Đại bản doanh đặt tại thế đất cao, phía Tây đầu làng Hoành Sơn (địa điểm ngôi từ ngày nay).
Trong thời gian lập trại chống giặc tại đây, ông đã tập hợp lực lượng thanh niên khắp các nơi trong vùng để đào hào, đắp lũy, chiêu mộ hiền tài, hiến kế sách để ngăn chặn sự tiến quân của quân Lương từ biển đánh vào. Đồng thời, để có lương thực phục vụ chiến đấu, ông còn giúp nhân dân phát triển kinh tế, khai hoang, lập làng. Dưới sự giúp sức của nhân dân, cả vùng đất Thái Thụy khi ấy là một căn cứ có quy mô rộng lớn bám chặt 3 cửa sông là sông Diêm Hộ, sông Trà Lý và sông Thái Bình bổ trợ cho quân triều đình tiến đánh phản công quân địch.
Sau 6 tháng chiến đấu, quân ta chống trả quyết liệt đạo quân hùm sói của Trần Bá Tiên, nhiều lần tử chiến với chúng. Tuy nhiên, cuối cùng, lão tướng Phạm Tu vẫn thua trận và rút về Long Biên, rồi anh dũng hy sinh. Người dân Hoành Sơn đã lập đền thờ Đô hồ Đại tướng Phạm Tu trên mảnh đất đại bản doanh. Tại di tích hiện vẫn còn lưu giữ được 9 đạo sắc phong từ vua Tự Đức đến vua Khải Định nhà Nguyễn.
Cho tới thế kỷ 13, vào năm 1285, giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta lần 2. Phụ quốc Thượng tướng quân Vũ Huy Chước là Đại tướng của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Vũ Huy Chước là một vị tướng văn võ toàn tài, sinh ra và lớn lên tại Hoành Sơn. Vì nhiều công lao, ông được vua Trần phong từ chức Đô chỉ huy sứ lên chức Thượng tướng quân kim ngô vệ. Người vợ của ông là bà Hoành Thị Phụng luôn giúp đỡ dân làng và bà thường làm những việc thiện như: Giúp đỡ những người nghèo khó vì thế bà được dân làng bầu hậu ở chùa làng. Con trai của ông là Vũ Ngọc Đĩnh vì có tài đức nên được phong tới chức Phó ban triều dũng bá.
Vị nhân thần thứ ba được thờ trong ngôi từ của làng Hoành Sơn là Kim ngô Vệ tướng quân Lê Sỹ Căn tự Phúc Côn. Ông có công phò nhà Lê đánh lại nhà Mạc. Năm 1530, Đại tướng Lê Sĩ Căn cùng với chúa Trịnh Tráng đánh quân Mạc Đăng Dung ở Thái Bình. Trước sức tấn công mạnh mẽ của Lê Sỹ Căn, cha con Mạc Đăng Dung phải vượt qua sông Hóa sang đất Vĩnh Bảo gặp quan trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Rồi từ đó rút lên Quảng Ninh, Lạng Sơn. Do có công lớn đối đất nước, nhà Lê đã phong cho Lê Sỹ Căn những chức như quan văn: Chánh nhất phẩm đặc tiến quang lộc. Quan võ: Chánh nhất phẩm, sơ thụ phiên kỵ tướng quân. Sau cùng phong chức Kim ngô Vệ tướng quân.