Nâng chất lượng nông thôn mới

Tuệ Phương 02/06/2020 08:00

Hoài Đức là một trong những địa phương được công nhận là huyện NTM sớm nhất cả nước. Nằm ở cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, Hoài Đức đang có tốc độ đô thị hoá rất nhanh. Bởi vậy, ngay sau khi được công nhận là huyện NTM, Hoài Đức đã chủ trương nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng đến mục tiêu trở thành quận trong tương lai.

Nâng chất lượng nông thôn mới

Chăm sóc vườn phật thủ ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội).

Trong quá trình nâng cao chất lượng các tiêu chí, huyện Hoài Đức chú trọng “chuẩn hoá” hạ tầng giao thông, cấp thoát nước… để có thể kết nối đồng bộ với các công trình hạ tầng của thành phố; nâng cấp đường liên thôn, liên xã để đáp ứng tiêu chí của đô thị. Đến nay, đối với các tiêu chí để phát triển thành quận, Hoài Đức đã đạt 5/6 tiêu chí trên sáu tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội, 17/21 tiêu chí về phát triển hạ tầng. Hiện còn 3 tiêu chí cơ bản đạt là cân đối thu - chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị và đất cây xanh công cộng, hai tiêu chí chưa đạt là cơ sở y tế cấp đô thị và tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý.

Dù sắp “lên quận”, nhưng Hoài Đức vẫn hết sức coi trọng phát triển nông nghiệp bền vững. Xác định ngay cả khi lên quận, nông nghiệp vẫn là sinh kế của một bộ phận nhân dân nên chú trọng xây dựng các sản phẩm, thương hiệu nông nghiệp chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng giá trị kinh tế trên đơn vị canh tác. Đến nay, huyện đã triển khai được hàng trăm héc-ta trồng rau, hoa, cây ăn quả ở các xã: Song Phương, Đông La, Tiền Yên, Vân Côn, Cát Quế, Đắc Sở, Yên Sở... Nổi bật trong số đó là các loại cây ăn quả có múi cho thu nhập cao. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Đức cho biết: “Năm 2019, kinh tế Hoài Đức tăng 11,02% so với năm 2018. Trong đó, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 55 triệu đồng. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng kinh tế vẫn tương đối ổn định, tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 572 tỷ đồng, bằng 34,5% so với dự toán năm”.

Xã Yên Sở là một điển hình của chuẩn NTM nâng cao ở Hoài Đức. Những tuyến đường thôn xóm, liên xã được đổ bê tông rộng và đẹp. Các công trình phúc lợi, trường học được xây dựng khang trang, kiên cố, những phòng học sạch đẹp, đầy đủ cơ sở vật chất đã trở thành niềm vui của con em trong xã mỗi khi tới trường. Yên Sở triển khai xây dựng NTM nâng cao từ năm 2016, việc xây dựng được triển khai đồng bộ: Cấp uỷ, chính quyền xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu cụ thể, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân vận động nhân dân thực hiện. Trong quá trình triển khai, những khó khăn vướng mắc được phát huy kịp thời với sự tham gia của Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Từ đó, người dân có trách nhiệm hơn với công tác xây dựng. Thông qua cuộc vận động Toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh, tính từ năm 2016-2019, cá nhân trong và ngoài xã đã ủng hộ các phong trào với tổng kinh phí hơn 418 triệu đồng; đóng góp 5.288 ngày công (tương đương 952 triệu đồng); đóng góp tôn tạo di tích Quán Giá (3,1 tỷ đồng); đóng góp xã hội hóa nước sạch 8,4 tỷ đồng; cải tạo nhà ở, công trình vệ sinh 405 tỷ đồng… Yên Sở đang trở thành địa bàn “làng khang trang như phố”. Kết hợp với các công trình hạ tầng của huyện xây dựng, Yên Sở đã sẵn sàng để “lên quận” trong tương lai gần.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Trung cho biết, hiện Hoài Đức đang đôn đốc doanh nghiệp thi công các dự án xây dựng sáu tuyến đường giao thông đô thị với các hệ thống vỉa hè, thoát nước và điện chiếu sáng như: Đường vành đai 3,5, đường đê tả Đáy, đường giao thông liên xã Đức Thượng - Song Phương, đường liên xã Lại Yên -Vân Canh... Các tiêu chí cây xanh, y tế… cũng đang được giải quyết. Chẳng hạn huyện đang trồng thêm cây xanh tại một số dự án công viên trên địa bàn các xã Song Phương, An Khánh, An Thượng, Đông La… trong quý II-2020. Đối với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh, song song với vận động nhân dân xây dựng NTM, từng bước vận động người dân làm quen với nếp sống đô thị; thực hiện các Quy tắc ứng xử nơi cộng cộng do UBND TP Hà Nội ban hành. Trong đó, Mặt trận, đoàn thể, ngành văn hoá tập trung vận động những quy tắc “mới” đối với khu vực nông thôn như: Gìn giữ vỉa hè sạch đẹp, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định…

Tuệ Phương