Gỡ khó tái đàn lợn: Quan trọng là ở địa phương
Cuối tuần qua, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về vấn đề cơ cấu đàn lợn, tình hình tái đàn trên địa bàn tỉnh sau dịch tả lợn châu Phi. Theo kế hoạch, trong tuần này Bộ tiếp tục làm việc với tỉnh Hà Giang, Nam Định nhằm gỡ khó việc tái đàn với mong muốn sớm ổn định thị trường thịt lợn.
Nhìn chung việc tái đàn ở các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học ở các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ còn nhiều hạn chế, nhiều địa phương bỏ ngỏ công tác quản lý giết mổ...Đặc biệt, giá lợn giống mua về để nuôi thương phẩm từ các cơ sở giống quá đắt cũng là khó khăn lớn làm cho nhiều hộ chăn nuôi lợn e ngại sợ rủi ro do dịch tái phát, không thể tái đàn trong khi giá thịt lợn thương phẩm vẫn đang ở mức rất cao.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo Bộ NNPTNT đang triển khai kế hoạch về các địa phương gỡ khó tái đàn lợn. Tại tỉnh Quảng Nam, trước khi có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), tỉnh có tổng đàn lợn hơn 483.000 con, đứng thứ 2 ở Khu vực Nam Trung Bộ. Toàn tỉnh có 206/241 xã xảy ra bệnh DTLCP, trong đó có 135 xã có dịch qua 30 ngày tái phát dịch. Hiện vẫn còn 6 xã có bệnh DTLCP chưa qua 30 ngày. Sau khi dịch bệnh xảy ra, tính đến tháng 4/2020, đàn lợn của tỉnh chỉ còn 250.000 con. Trong đó, lợn giống ông bà và lợn nái giống sinh sản, lợn nái hậu bị khoảng 25.000 con.
Tại Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết hiện tại DTLCP chưa có vắcxin, chưa có thuốc chữa nên tăng đàn, tái đàn thì cần phải đảm bảo an toàn sinh học. Mà an toàn sinh học thì các đơn vị chăn nuôi lớn làm tốt, hộ gia đình khó khăn. Trong khi cơ cấu chăn nuôi nhỏ lẻ của tỉnh Quảng Nam chiếm khoảng 64%. “Hiện tại nhiều hộ chăn nuôi gia đình ở Quảng Nam chưa kiểm soát tốt việc phòng chống dịch bệnh như không rắc vôi, lưới chắn chim, chuột, côn trùng không có, người ra vào không kiểm soát. Nếu như tăng đàn kiểu này thì dịch rất dễ bùng phát, trong khi đó một số xã vẫn còn DTLCP. Vậy nên, tỉnh Quảng Nam cần phải có kế hoạch cụ thể, các ngành chức năng phải có những chỉ đạo bằng văn bản, bằng thông tin tuyên truyền, bằng cầm tay chỉ việc thì mới ra vấn đề. Bên cạnh đó, khuyến nông địa phương cũng cần chỉ ra những mô hình tiêu biểu để dẫn dắt cho các hộ dân thực hiện thì mới hiệu quả”-Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.
Cũng tại Hội nghị “Thúc đẩy ngành chăn nuôi lợn” được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Muốn tái đàn thành công cần địa phương chủ động. Với bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay, để hoàn thành tăng trưởng đàn lợn 20% từ nay đến cuối năm 2020 trọng trách rất lớn, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, đoàn kết rất cao từ Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp và đặc biệt là chính quyền các địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị các tỉnh, thành có chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm đối tượng tùy theo điều kiện của địa phương mình. Người dân họ cần nhất là sự minh bạch, công bằng, thủ tục đơn giản, hiệu quả. Các tỉnh, thành phố cũng cần chủ động gặp gỡ, chỉ đạo các doanh nghiệp lớn tham gia cung ứng trong chuỗi chăn nuôi từ con giống, thức ăn, thú y, đến giết mổ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt, tạo điều kiện tối đa, nhanh chóng về đất đai, quy hoạch và các thủ tục hành chính cho những doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tin tưởng, thực hiện được đồng bộ 3 trục chính là Chính phủ - doanh nghiệp - địa phương chúng ta sẽ sớm về đích trong mục tiêu khôi phục lại ngành chăn nuôi lợn ổn định, bền vững vào cuối năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Giá lợn hơi giảm nhẹ
Thông tin Bộ NNPTNT cho phép nhập khẩu lợn sống đã có tác động tích cực đến thị trường, giúp giá lợn hơi hôm nay giảm nhẹ. Cụ thể, giá lợn hơi ngày 1/6 giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với trước đó. Ghi nhận trên thị trường, giá lợn hơi miền Nam phổ biến từ 92.000 - 97.000 đồng/kg; giá lợn hơi tại miền Bắc từ 95.000-98.000 đồng/kg, miền Trung giữ nguyên, giao dịch từ 90.000 - 95.000 đồng/kg.