Nguy cơ bệnh than quay trở lại

Đức Trân 02/06/2020 08:12

Thời gian qua, đơn vị Chăm sóc vết thương - Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn, Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận 3 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh hậu bối – hay còn được gọi là bệnh than.

3 bệnh nhân có đặc điểm chung là có bệnh tiểu đường với tổn thương điển hình là một vùng viêm tấy đỏ, đau nằm vùng gáy, lưng. Sau vài ngày, da bệnh nhân bị vỡ mủ thành nhiều nốt nhỏ trông giống tổ ong hoặc gương sen, đau nhức.

PGS. TS Nguyễn Đức Chính – BV Hữu nghị Việt Đức cho biết: Hậu bối trước đây hay được dùng với thuật ngữ là Anthrax – bệnh than hoặc tiếng anh là Carbuncle được định nghĩa là cụm nhọt, gồm nhiều các nhọt nhỏ do viêm lỗ chân lông tập trung thành đám tạo nên và có quá trình hoại tử phần mềm tổ chức dưới da. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là do vi khuẩn tụ cầu vàng - Staphylococcus aureus. Hậu bối xuất hiện ban đầu là một đám mảng đỏ có đường kính rất khác nhau, có thể từ 5-10-20cm kèm theo biểu hiện viêm đỏ, sưng tấy, gồ cao, đau, có nhiều ngòi, tiến triển hoại tử tổ chức dưới da, tổn thương lõm sâu khoảng 0,5-1cm.

Hậu bối không tự khỏi theo cách thay băng thông thường hoặc tự uống thuốc mà cần sự can thiệp của các bác sĩ. Khác với nhọt bọc - tổn thương rất nông và thường là một khối mủ có thể trích đơn giản, hậu bối bắt buộc phải phẫu thuật mở rộng và lấy tổ chức hoại tử bên dưới mới khỏi được.

Do đó, PGS. TS Nguyễn Đức Chính khuyến cáo: Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh, đặc biệt là người đề kháng kém hay có bệnh chuyển hóa như đái tháo đường,… cần đến ngay các cơ sở y tế khám và điều trị, tránh những diễn biến nặng của bệnh có thể gây ra hậu quả đáng tiếc, thậm chí biến chứng nhiễm khuẩn huyết còn có thể gây tử vong.

Đức Trân