Chợ truyền thống ảm đạm
Sau đợt cao điểm phòng chống dịch bệnh Covid-19 tình hình kinh doanh đã ổn định hơn nhiều. Tuy nhiên, đối với thị trường bán lẻ, theo nhận định của tiểu thương các chợ, đại diện cửa hàng, hệ thống siêu thị, sức mua vẫn ở rất mức thấp, nếu không muốn nói là ế ẩm.
Vắng khách mua hàng tại các chợ truyền thống.
Sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, đầu tháng 5 tiểu thương các chợ đồng loạt mở cửa tiếp tục hoạt động kinh doanh với mong muốn “buôn may, bán đắt”, giảm bớt thiệt hại trong giai đoạn dịch bệnh. Thế nhưng, hầu hết tiểu thương vẫn rầu rĩ than phiền do vắng khách, sức mua thấp. Tất cả ngành hàng thời trang, mỹ phẩm, ba lô, túi xách, hàng gia dụng… đều rơi vào tình trạng ế ẩm.
Hàng loạt cửa hàng thời trang dọc các tuyến đường TP HCM than thở vì không bán được hàng hóa, mặc dù đã thực hiện giảm giá sản phẩm.
“Sau khi mở lại cửa hàng việc đầu tiên của tôi là giảm giá nhiều mặt hàng thời trang bị tồn trong một thời gian dài. Tiếp đến, chi khoảng 50 – 60 triệu đồng nhập nhiều mẫu mã, kiểu dáng mới nhằm hút khách, song lượng khách tìm đến cửa hàng không như kỳ vọng. Nếu thời gian tới tình hình không cải thiện chắc tôi phải đóng cửa sớm vì không gồng gánh được các khoản chi phí” - chủ cửa hàng thời trang Lalan (đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2) lo lắng.
Tương tự, tại các chợ truyền thống, sức mua cũng rơi vào tình trạng ảm đạm. Bà Nguyễn Phi Thanh, chủ cửa hàng mỹ phẩm tại chợ Thủ Đức (quận Thủ Đức) than thở: “Trông chờ sau dịch buôn bán cải thiện, ai ngờ tình hình cũng không khá hơn là bao. Đóng sạp ở nhà thì sốt ruột, mở cửa sạp với tinh thần nhặt từng đồng mà cũng ít khách tìm đến”.
Bà Minh Hương - chủ cửa sạp giày dép chợ Bình Trưng (quận 2) chia sẻ: “Để hút khách tôi phải giảm giá giày dép cũ, đồng thời tăng sản phẩm mới, mẫu mã mới nhưng xem ra tình hình không cải thiện hơn. Khách mua hàng trong một ngày được 4 - 5 người là nhiều. Thậm chí, có khi ngồi trông đợi cả buổi sáng mà không ai hỏi han mua gì”. Theo tiểu thương các chợ, hiện nay chỉ có khu thực phẩm là đông khách nhất, mặc dù tỷ lệ người mua hàng vẫn không cao như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.
Hầu hết tiểu thương cho rằng, thời gian gần đây cả xã hội cùng “sống chậm” nên mọi hoạt động đám tiệc, cưới hỏi không có, vì vậy nhu cầu mua sắm gần như là không. Nguyên nhân thứ hai, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thu nhập của người dân giảm đáng kể.
Liên quan đên sức mua tại chợ truyền thống, đại diện một số ban quản lý chợ cũng khẳng định, sau dịch bệnh lượng khách đến chợ mua sắm giảm 30 – 40%. Do không tăng doanh thu bán hàng nên các loại thuế, phí,… trở thành gánh nặng buộc tiểu thương phải chống chọi. Dự báo, thời gian tới tình hình sức mua trên thị trường chưa thật sự khởi sắc, tiểu thương tiếp tục phải đối diện với khó khăn.
Theo Cục Thống kê TP HCM, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của thành phố giảm 0,33% so với tháng trước, giảm 1,38% so với tháng 12/2019. Thống kê cho thấy, trong tháng có 3/11 nhóm gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,41%; nhóm nhà ở, điện, nước và vật liệu xây dựng giảm 0,97%, nhóm giao thông giảm 2,29%. Còn nhóm may mặc, mũ nón, giày dép không biến động.
Nhằm cải thiện sức mua, tăng tiêu dùng trên thị trường, Sở Công thương TP HCM vừa công bố tổ chức “60 ngày vàng khuyến mãi trên địa bàn thành phố”. Chương trình kéo dài 2 tháng, từ ngày 1/6 đến ngày 30/7. Với chương trình này, doanh nghiệp có thể thực hiện khuyến mãi với hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ,… lên đến 100%.