Gây quỹ xuất bản: Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Trong những năm gần đây xu hướng gây quỹ xuất bản đang trở thành công cụ gắn kết tác giả với bạn đọc. Bên cạnh đó, việc gây quỹ cũng đang trở thành một công cụ hữu hiệu để ngăn chặn việc bán sách lậu, sách giả.
Bìa sách Dệt nên triều đại.
Sau 2 năm nghiên cứu, soạn thảo và hiệu chỉnh, mới đây Vietnam Centre (VNC) phối hợp với Comicola cho ra mắt độc giả cuốn sách “Dệt nên triều đại” với phiên bản song ngữ Việt - Anh. Điều đặc biệt, “Dệt nên triều đại” là cuốn sách được xuất bản hoàn toàn dựa trên kinh phí do cộng đồng đóng góp.
Bên cạnh văn bản lời dẫn, sách có những minh họa sinh động bằng tranh vẽ và ảnh chụp. Đặc biệt, nhằm nâng cao tính chính xác các hình ảnh minh họa trong cuốn sách đều được các họa sĩ trẻ phác họa mang đậm nét văn hóa Việt, hoặc được sưu tầm từ các nguồn tài liệu tham khảo có uy tín, đảm bảo tính xác thực.
Các tài liệu tham khảo có thể kể đến những tựa sách kinh điển như “Trang phục Việt Nam” của TS Đoàn Thị Tình, “Trang phục triều Lê Trịnh” của hoạ sĩ Trịnh Quang Vũ, “Ngàn năm áo mũ” của học giả Trần Quang Đức.
Theo nhóm tác giả, cuốn sách ra đời nhằm mang lại nguồn tư liệu dễ tiếp cận và sử dụng cho những người muốn tìm hiểu về cổ phục Việt Nam. Bên cạnh đó cũng là để tạo hứng thú nơi những người trẻ chưa biết nhiều về chủ đề này. Đây cũng là một cơ hội tuyệt vời để khẳng định trang phục truyền thống Việt Nam không chỉ bao gồm áo dài, người Việt cũng như cộng đồng thế giới cần mở lòng đón nhận những bộ trang phục như áo Giao Lĩnh, áo Viên Lĩnh... là nét đặc trưng vốn có trong trang phục Việt cổ xưa.
Cuốn sách “Dệt nên triều đại” muốn kể câu chuyện xây dựng “nhận dạng” của quốc gia thông qua câu chuyện bề nổi là dệt và may...
“Khi nhắc đến Việt Nam, bạn bè quốc tế và thậm chí rất nhiều người Việt dường như chỉ biết tới cuộc chiến mà không phải điều gì khác. Sự thực đó khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng, bởi một nền văn hoá dân tộc rực rỡ có bề dày ngàn năm ở châu Á lại được định nghĩa bằng một cuộc chiến xảy ra cách nay chưa lâu. Trăn trở đó đã thôi thúc chúng tôi mày mò và tìm cách quảng bá nền văn hoá lâu đời của Việt Nam, thông qua từng khía cạnh, bắt đầu từ khía cạnh ăn mặc”- nhóm tác giả chia sẻ.
Bên cạnh cuốn sách, để “tri ân” độc giả, VNC còn cho ra mắt sản phẩm sách búp bê giấy do họa sĩ Eris Trần thực hiện, gồm 10 bộ trang phục cổ phong- một trong những món quà gửi tới người ủng hộ các mức từ 500.000đ trở lên giúp người đọc hình dung dễ dàng hơn về các trang phục triều đình thời Lê Sơ.
Có thể nói, không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam, xu hướng gây quỹ xuất bản đã và đang là trào lưu được độc giả ủng hộ rất sôi nổi. Nó có ảnh hưởng mạnh mẽ và tích cực đến những bạn đọc trẻ.
Thực tế, ở Việt Nam việc gây quỹ cộng đồng đã xuất hiện trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong xuất bản, phải đến năm 2014 hình thức này mới chính thức được biết đến với việc ra đời bộ truyện tranh lịch sử “Long thần tướng”.
Tại thời điểm đó, ê kíp thực hiện bộ truyện tranh này đã mở trang web để kết nối với bạn đọc, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ kinh phí từ cộng đồng. Kết quả, chỉ sau hai tháng có 711 người tham gia ủng hộ với tổng số tiền là 300 triệu đồng. Thành công của “Long thần tướng” được coi như một sự kiện của làng xuất bản vốn vẫn quen với cách thức bán sách và thu tiền.
Đây cũng là tiền đề tạo nên xu hướng mới trong giới sáng tác truyện tranh nói riêng và xuất bản nói chung. Sau “Long thần tướng”, nhiều cuốn sách đã được xuất bản thông qua hình thức gây quỹ như “Humans of Hanoi - Bước vào thế giới của nhau” (sách ảnh), “Art Book” (sách tranh của Tuyệt Đỉnh Sinh Vật), “Project Icon”, “Nhóm máu O” (truyện tranh), “Sổ tay giáo dục gia đình” (sách kỹ năng cho các bậc cha mẹ)... Trong đó, cuốn sách gây quỹ nhanh nhất là “Sổ tay giáo dục gia đình” nhận được 100 triệu (số tiền in 5.000 cuốn) chỉ sau 4 ngày phát động.
Không chỉ tạo ra những hiệu ứng trong việc sáng tác, với phương thức gây quỹ xuất bản cũng đã tạo ra một bức “tường lửa” hữu hiệu trong việc bảo vệ tác quyền và tác phẩm. Với hình thức xuất bản này, vấn đề bản quyền ngày càng được nâng cao, siết chặt cũng bởi chính những độc giả, những nhà đầu tư. Độc giả đã cùng chung tay với tác giả và đơn vị xuất bản bảo vệ bản quyền của tác phẩm thay vì tình trạng sách lậu diễn ra tràn lan và luôn là bài toán khó đối với các đơn vị xuất bản.
Cũng từ hình thức này độc giả được sở hữu những bộ tiểu thuyết dài, mà trước đây, những đơn vị xuất bản thường ngại xuất bản bởi tính rủi ro cao và kinh phí xuất bản quá lớn. Thực tế, nhiều tác phẩm độc giả sẵn sàng đóng góp mà không cần nhận lại sách, chỉ để đảm bảo tác phẩm yêu thích được xuất bản. Mặt khác, với dự án gây quỹ, độc giả và đơn vị phát hành có cơ hội tương tác nhiều hơn, đồng thời giúp đơn vị phát hành hiểu rõ mong muốn của độc giả, từ đó chủ động với nội dung của sản phẩm mà họ muốn đầu tư. Nhất là với những tiểu thuyết dài tập, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư cao.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, mặc dù độc giả hiện nay đã đọc sách điện tử 100% nội dung, song họ vẫn mong muốn được đọc sách giấy. Một mặt họ muốn ủng hộ bản quyền tác giả, nhưng quan trọng không kém là những trải nghiệm mà chỉ khi đọc sách giấy mới mang lại được. Đó là sự thoải mái khi cầm cuốn sách được in trên giấy, sự tập trung cao độ khiến người đọc lĩnh hội được nội dung tốt hơn… Đó là minh chứng rõ ràng về vị trí của sách giấy.