Điểm tựa để tăng tốc

Hoài Vũ 03/06/2020 07:50

“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên”- câu nói nổi tiếng của Archimedes có lẽ hoàn toàn đúng ở thời điểm này. Những “điểm sáng” trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay được ví như là “điểm tựa” để kinh tế nước ta vươn lên phục hồi sau đại dịch.

Và tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, một “điểm tựa” được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến chính là “các chỉ tiêu của tháng 5 tốt hơn tháng 4”. Đây cũng là cơ hội rất quan trọng để nước ta vươn lên trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn thách thức.

Điểm tựa để tăng tốc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. (Ảnh: TTXVN).

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng cho rằng: “Tháng 5 hình ảnh của Việt Nam trên quốc tế tăng lên. Chúng ta đã tận dụng thời cơ vàng từ việc kiểm soát dịch bệnh, cho nên không khí lan tỏa trong làm ăn đã được tháo gỡ, vươn lên. Các cân đối lớn của nền kinh tế tốt hơn. Lạm phát giảm, đời sống người dân được đảm bảo. Những địa phương khó khăn thực sự đều được hỗ trợ lương thực kịp thời”.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao để thúc đẩy kinh tế xã hội tháng 6, làm đà cho nửa cuối năm, đạt kết quả cao nhất các mục tiêu kinh tế- xã hội đã đề ra trong năm nay.

Sự quyết tâm của Thủ tướng cần được cụ thể hóa bằng hành động. Bằng những việc làm cụ thể, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới từ các tư lệnh ngành. Một vấn đề tưởng chừng như đơn giản là vấn đề giá thịt lợn nhưng lại là chủ đề “nóng” diễn ra trong suốt thời gian qua.

Dẫu Thủ tướng đã 2 lần đề nghị các bộ, ngành có biện pháp để giảm giá thịt lợn hơi về 60.000 đồng/kg, nhưng thực tế giá thịt lợn không hề giảm mà thậm chí là tăng cao, tăng phi mã, chỉ giảm “trên ti vi” đang đặt ra những vấn đề nhóm lợi ích nào đã đẩy giá thịt lợn chỉ rẻ… trên tivi? Đất nước khó có thể phát triển khi những việc rất cụ thể là bữa cơm của mỗi hộ gia đình vẫn bị làm giá, trục lợi.

Tính đến ngày 2/6, đã 48 ngày trên cả nước không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng nên phần nào có thể yên tâm để dồn sức bứt phá lo phát triển kinh tế thực hiện “mục tiêu kép”. Hiện tại, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang mở cửa trở lại nền kinh tế. Đó là một lợi thế lớn. Nhưng không phải vì thế mà chủ quan, lơ là.

Dẫu đến giờ phút này, hầu hết các địa phương như: Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu đều quyết tâm hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra từ đầu năm. Nhưng những khó khăn còn đang chờ ở phía trước. Bởi ở trong nước, những khó khăn về thời tiết khí hậu, nắng nóng, hạn hán, mưa đá, giông, lốc vẫn đang tiếp diễn.

Mặc khác, là nước có độ mở của nền kinh tế lớn, gấp 200% GDP, nên triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc lớn vào thương mại tự do, đặc biệt là xuất khẩu với các thị trường quan trọng trên thế giới. Khi mà các thị trường trên đều gặp khó do vẫn đang chống dịch thì phần nào sự tăng tốc trong xuất khẩu của ta ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Bí cả “đầu vào” là nguyên liệu và “đầu ra” là thị trường xuất khẩu, vậy đâu là chìa khóa để giúp nền kinh tế “qua cơn bĩ cực”?

Vì vậy, phục hồi kinh tế sau dịch là vấn đề nóng đang được luận bàn tại các hội nghị. Từ khóa trên đã nhận được khoảng 84.000.000 kết quả chỉ trong vòng 0,36 giây. Và trong lúc này, đây cũng là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm tại nghị trường Quốc hội. Bởi lâu nay nước ta luôn kiên trì theo đuổi mô hình phát triển bền vững xoay quanh tăng trưởng kinh tế gắn liền với xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Do đó trong thời gian qua, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề trực tuyến để đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, quyết tâm khắc phục khó khăn, củng cố niềm tin, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế, khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng vươn lên để xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Dập dịch đã khó, nhưng dập dịch mà vẫn duy trì, phát triển nền kinh tế còn khó hơn nhiều.

Yêu cầu đặt ra là không chỉ hóa giải các nguy cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, mà còn phải biến thành những cơ hội phát triển mới cho đất nước. Nếu tận dụng được lợi thế sớm kiểm soát được dịch bệnh, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam sẽ được nâng cao, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực, thế giới. Qua đó phấn đấu hướng tới mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045 như Đảng đã đề ra.

Chính vì vậy, trên cơ sở dự báo thời gian khống chế được dịch bệnh và mở cửa lại nền kinh tế của nước ta và trên thế giới, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị, Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế-xã hội trong ngắn hạn, dài hạn, đồng thời đề ra các phương án, giải pháp cụ thể, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới, chú trọng các chỉ tiêu như: CPI, thu, chi, bội chi ngân sách nhà nước, các chỉ số nợ công, nợ chính phủ, trả nợ chính phủ.

Tuy nhiên, có một yếu tố cần lưu ý được coi là “điểm tựa” chính là thực hiện có hiệu quả, thực chất cải cách hành chính, giao dịch điện tử liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, phục hồi và phát triển doanh nghiệp trong nước. Chỉ khi nào doanh nghiệp, người dân được “cởi trói” khỏi “rừng thủ tục”, lúc đó mới kích thích phát triển sản xuất trong nước, và thu hút nguồn lực từ nước ngoài vào.

Hoài Vũ