Mạnh dạn từ chức

Vũ Lân 04/06/2020 07:30

Nhiều giá trị văn hóa của dân tộc kết tinh qua nhiều triều đại làm nên một nền văn hiến Việt Nam. “Treo ấn từ quan” ngày nay gọi là “văn hóa từ chức” cũng là nét văn hóa đẹp cần phát huy.

Những tấm gương như danh sư Chu Văn An - vị thầy của vua Trần Hiến Tông; Nguyễn Trãi - vị khai quốc công thần của triều Lê, hay Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trí đức cao vời cũng như nhiều bậc đức cao tài rộng cũng chỉ làm quan mấy năm rồi cương quyết từ quan, cáo lão hồi hương khi đang ở ngôi cao, chức trọng.

Triều đại nào nước ta cũng đều có những danh thần, công bộc khảng khái ở chốn quan trường như vậy. Các vị ấy làm quan bằng tài đức thực sự của mình với tinh thần phụng sự Tổ quốc, nên việc từ quan cũng nhẹ như lông hồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất sớm đã tâm niệm điều này khi nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.

Thế nhưng vì nước nhà chưa hoàn toàn độc lập, dân ta chưa hoàn toàn tự do mà Bác Hồ của chúng ta suốt đời phấn đấu, hy sinh, cống hiến cho nước cho dân mà khi ra đi, “ham muốn” tột bậc của Người chưa thực hiện được. Trước đây, dưới thời của mình, khi cán bộ mắc sai lầm, Bác xử lý rất nghiêm, bất kể người đó là ai. Khi mắc sai lầm trong cải cách ruộng đất, Tổng Bí thư khi đó đã tự xin từ chức và 2 Ủy viên Bộ Chính trị cũng xin rút khỏi Bộ Chính trị, ngoài ra, khi đó còn một số Thứ trưởng, một số Ủy viên Trung ương Đảng cũng xin từ chức, xin chuyển sang làm việc khác…

Mặc dù từ năm 2008 Luật Cán bộ, công chức đã có quy định về vấn đề từ chức song số cán bộ lãnh đạo tự nguyện từ chức chỉ “đếm trên đầu ngón tay” cho nên mỗi khi có cán bộ lãnh đạo chỉ ở cấp vi mô hoặc cấp trung mô làm đơn từ chức thì trở thành một hiện tượng lạ, gây xôn xao dư luận.

Vào tháng 5/2004 khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ xin từ chức là “chuyện rung động xã hội”. Thời gian khi vụ án Lã Thị Kim Oanh xảy ra, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ (khi đó nhà ở cạnh nhà cố Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương) rất băn khoăn và sang nhà Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương hỏi ý kiến về việc này. Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương gợi ý: “Anh làm Bộ trưởng Nông nghiệp 4 năm mà để Lã Thị Kim Oanh phạm sai lầm đến mức nhận án tử hình thì anh cũng có trách nhiệm nên tốt nhất anh nên xin từ chức đi. Xin từ chức nghĩa là anh còn giữ được thể diện, còn hơn để bị cách chức, bãi miễn, rất rất không hay”.

Vào tháng 6/2015 chuyện về Bí thư Thành ủy TP Hội An Nguyễn Sự - người nức tiếng ở đất Hội An vì những cống hiến cho đất và người nơi đó, cũng đã trở thành một sự kiện xã hội. Ông quyết định làm đơn xin thôi làm Bí thư Thành ủy Hội An dù còn hơn 2 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu với lý do rất đời: “Để những người kế nhiệm tiếp tục làm cho Hội An phát triển vững bền. Tôi làm ở vị trí lãnh đạo tròn 21 năm là quá lâu. Nó dần trở thành lối mòn, ngại đổi mới, ngại đột phá. Cứ “đường xưa lối cũ em về” như vậy mãi làm cho Thành phố không bứt phá được, chưa kể là sẽ cản trở sự đi lên của anh em”.

Gần đây nhất, sau một nhiều lần đích thân ra chỉ đạo việc cưỡng chế, giải tỏa lấn chiếm vỉa hè, lòng đường không thành công, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1 được điều về làm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn. Tuy nhiên, ông Đoàn Ngọc Hải đã kiên quyết viết đơn xin từ chức vì công việc được phân công “không phù hợp với năng lực, sở trường, chuyên môn”và được cấp trên chấp nhận vào tháng 9/2019. Tất cả những trưởng hợp tự nguyện viết đơn xin từ chức, với những lý do và nguyên nhân khác nhau, nhưng dù thế nào chăng nữa, trong hoàn cảnh hiện nay, ít nhiều cũng để lại “tiếng thơm” cho đời, thể hiện sự tự tôn trọng mọi người và danh dự bản thân.

Trong tình hình hiện nay, trong quá trình đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, có những nhu cầu rất cao đối với cấp ủy đảng các cấp cũng như đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Tình hình kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại cũng như tình hình tư tưởng trong Đảng và tâm trạng trong nhân dân, bên cạnh mặt tích cực là cơ bản, cũng có những biểu hiện đáng lo ngại, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức mới chỉ bước đầu được ngăn chặn, đẩy lùi.

Trong những năm qua, rất nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng đặt ra yêu cầu rất cao cho mỗi một cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cả về phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bản thân và gia đình, người thân phải có uy tín cao trong quần chúng nhân dân. Đồng thời với quyết tâm chính trị rất cao, với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, không ngừng nghỉ, không có “vùng cấm” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, những cán bộ, đảng viên nào, nhất là cán bộ cấp chiến lược, cảm thấy “đuối sức” không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác nên chăng tự nguyện làm đơn từ chức?

Còn với những cán bộ, đảng viên đã đang và sẽ thực hiện ý đồ vào Đảng để “làm quan phát tài”, để “vinh thân, phì gia” rất cần tự giác khai báo, tự nguyện làm đơn xin ra khỏi đội ngũ những người hy sinh vì nước, vì dân, trước khi để bị phát hiện xử lý, tránh tình trạng khi rơi vào vòng lao lý, trước tòa án mới ân hận, minh oan rằng: Bị cáo không được học hành, không có chuyên môn về lĩnh vực được giao lãnh đạo, quản lý. Nói theo ý của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì: Những ai thấy không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó; những ai có tư tưởng bàn lùi thì đứng sang một bên cho người khác làm.

Việc cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, tự nguyện xin từ chức trong tình hình hiện nay cũng là biểu hiện sự tự giác, gương mẫu của đảng viên trước quần chúng, nhân dân. Điều này cũng còn có nghĩa là cán bộ đó “không màng dính líu gì tới danh lợi” và quan trọng là được người dân tôn trọng, kính nể chứ không ai coi đó là một sự kỷ luật mà chính là để phát huy truyền thống “văn hóa từ chức” của cha ông chúng ta.

Vũ Lân